024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Khắc phục hạn chế, bất cập thị trường lao động

 

khac phuc han che bat cap thi truong lao dong

Cần sớm ban hành chính sách mới hỗ trợ kịp thời, sát thực tế đối với người lao động (Ảnh minh họa)

Việc nhận diện rõ những rủi ro và thách thức đối với thị trường lao động, từ đó có các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động là rất cần thiết cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nhu cầu tuyển dụng lao động giảm mạnh

Dữ liệu từ Navigos Group (công ty sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search) về thị trường lao động tại Việt Nam cuối năm 2022 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động trong 3 tháng cuối năm 2022 giảm trung bình 25%, chỉ riêng tháng 12 giảm mạnh đến 42% so với thời điểm trước dịch. Nhiều ngành liên quan đến sản xuất, dệt may… có sự sụt giảm rõ rệt do nhu cầu tiêu dùng suy yếu tại các thị trường lớn. Đáng chú ý, một số ngành sụt giảm liên tục trong tháng 10, 11 và càng nghiêm trọng hơn ở tháng 12/2022 như: Hành chính văn phòng/Marketing/Bán hàng giảm 50%; Xây dựng giảm 55%; Thu mua/Vật tư/Cung vận giảm 53%; Dệt may/Da giày giảm 58%; Lao động thời vụ giảm 50%. Trong khi đó, một số ngành khác dù vẫn tăng trưởng tốt vào tháng 10 và 11 nhưng lại đối mặt với sự sụt giảm trong tháng 12: Hàng tiêu dùng giảm 40%; Bảo hiểm giảm 45%; Chứng khoán giảm 41%.

Bao quát hơn trên toàn thị trường lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, theo báo cáo nhanh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan, số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp lên tới hơn 600 nghìn người (bằng khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp và phần lớn ở các doanh nghiệp FDI). Trong đó, số lao động bị mất việc làm là hơn 50 nghìn người (chiếm 8,4% số lao động bị ảnh hưởng). Tình hình thất nghiệp quý IV/2022 vì vậy cũng có xu hướng tăng lên so với quý trước. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV là 2,32%, tăng 0,04% so với quý III/2022.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thường cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai kế hoạch tăng ca, đảm bảo đơn hàng cho các đối tác. Nhưng khác với các năm trước, năm 2022 tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm, giờ làm có thể gây ra những hệ lụy rất lớn, trực tiếp cho các doanh nghiệp, người lao động cũng như cho nền kinh tế và tính bền vững của thị trường lao động. Một số phân tích cho thấy, tình hình khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm có thể sẽ tiếp tục đến quý I, thậm chí quý II năm nay, dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm.

Nhanh chóng ổn định thị trường

Theo báo cáo khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, về triển vọng sản xuất kinh doanh (SXKD), có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. Với những số liệu trên, tình hình không được khả quan và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch SXKD và sử dụng lao động.

Để giảm bớt khó khăn, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường. Theo đó, một trong những giải pháp cụ thể trước mắt là tăng cường kiểm soát về giá cả hàng hóa thiết yếu, tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân lao động. Tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành hỗ trợ người lao động, bảo đảm việc làm, thu nhập và an sinh lâu dài cho người lao động. Nghiên cứu, ban hành chính sách mới hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với người lao động ở 3 mức độ: bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm.

Phát huy vai trò của các hiệp hội người sử dụng lao động trong việc kết nối để giới thiệu việc làm cho lao động từ các doanh nghiệp không bố trí được việc làm tới các doanh nghiệp là thành viên của các hiệp hội cần tuyển dụng lao động. Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng có thể sử dụng nguồn lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp khác. Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng để người lao động sau một thời gian làm việc phải có tích lũy ở mức cần thiết để khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền để duy trì cuộc sống. Bên cạnh đó, phải mở rộng chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm đủ sức để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn…

Trong khi đó theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI, để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2023, cần có các chương trình kích cầu nội địa, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động với các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa, hỗ trợ tín dụng và an sinh xã hội (hỗ trợ doanh nghiệp ổn định quỹ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cũng như tăng cường hỗ trợ về an sinh xã hội cho người lao động…). Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại để duy trì việc làm cho người lao động; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi kết nối và điều tiết lao động ở những nơi cắt giảm lao động và nơi có nhu cầu tuyển dụng hợp lý.

Bênh cạnh đó cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc tuân thủ quy định pháp luật lao động, trong việc thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm xã hội, chính sách an sinh xã hội đối với người lao động. “Khi xây dựng và thực hiện tốt chế độ phúc lợi, doanh nghiệp sẽ có điều kiện để thu hút và “giữ chân” được người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Có thể coi đây là một trong những giải pháp rất quan trọng trong việc ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 1170/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững; bảo đảm cho thị trường lao động vận hành ổn định, đồng bộ.

 

Trích nguồn

Đỗ Lễ

07/01/2023
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368