024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Không để doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội.

 

khong de doanh nghiep bo lo co hoi

Doanh nghiệp cần chuẩn bị để tận dụng cơ hội khi dịch bệnh được kiểm soát

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng trạng thái bình thường mới phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn và nền kinh tế chuẩn bị như thế nào, có đón được trào lưu mới khi hết dịch hay không.

Bức tranh kinh tế quý I là khá sáng, song áp lực cũng rất lớn. Theo ông, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ thế nào?

khong de doanh nghiep bo lo co hoi
TS. Nguyễn Đức Kiên

Tình hình kinh tế quý I này không như kỳ vọng. Đầu năm chúng ta dự báo nhu cầu tiêu dùng và đi lại sẽ tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán, sản xuất cũng khá lên. Nhưng không may Covid-19 lại xuất hiện ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng… Vì thế, tăng trưởng GDP quý I/2021 chỉ đạt 4,48% thấp hơn so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm. Tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng khá cao nếu so với cùng kỳ năm trước và cũng cao hơn so với dự báo mới đây của Bộ kế hoạch và Đầu tư.

Mặc dù vậy, nếu chúng ta không có phương án chuẩn bị tốt thì sẽ bị động trong phát triển kinh tế, vì thế giới sẽ diễn biến rất nhanh trong quý II và phụ thuộc nhiều vào tiến độ triển khai.

Dự báo về tăng trưởng năm nay, chúng tôi cho rằng mô hình “răng cưa” sẽ quay trở lại, đó là tăng trưởng ở quý I thấp hơn quý IV năm trước, sang quý II nhô lên và quý III tăng dần lên. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, lúc này không nên quan tâm nhiều đến tốc độ tăng trưởng mà vấn đề cần quan tâm là chúng ta đã chuẩn bị thế nào? Sự dịch chuyển của doanh nghiệp và thị trường trong nước ra sao? để có thể sẵn sàng đón đầu xu hướng khi thế giới hết dịch.

Sau một năm chống chọi với dịch bệnh, sức khỏe nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, nay lại chịu thêm tác động của đợt dịch vừa qua. Theo ông lúc này doanh nghiệp cần gì?

Sản xuất, kinh doanh đang ở đỉnh điểm của khó khăn, sau hơn một năm gánh chịu những tác động nặng nề từ Covid-19. Việc bùng phát dịch vào tháng 1/2021 vừa qua ở một số địa phương càng làm cho người dân, doanh nghiệp thiệt hại thêm, khiến khả năng phục hồi kinh tế đến cuối năm sẽ chậm.

Nhưng tại cuộc Đối thoại 2045 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 6/3 vừa qua, thông điệp mà các doanh nghiệp đã chia sẻ là họ tự tin về khả năng vượt qua khó khăn với điều kiện là nếu không hỗ trợ được thì đừng gây thêm khó khăn cho họ.

Có thể thấy điều doanh nghiệp cần là muốn Chính phủ là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi ý tưởng mới, cần sự minh bạch và kịp thời trong các chính sách, để doanh nghiệp không bị chậm chân trước các cơ hội mới. Điều doanh nghiệp cần và nền kinh tế cần trong trạng thái bình thường mới lúc này phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn.

Một số doanh nghiệp lớn khẳng định họ tự vượt qua được khó khăn này, nhưng Chính phủ cần rõ ràng trong chính sách. Ví dụ, để xây sân bay theo mô hình PPP, doanh nghiệp đề nghị Nhà nước phải lo thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và thiết kế; còn doanh nghiệp bỏ tiền làm đường băng, nhà ga…

Như vậy, các bộ, ngành cũng cần đánh giá, xem xét những điều kiện mới, đề xuất các phương án phù hợp và quan trọng là không bỏ lỡ cơ hội mới cũng như không bị chậm chân khi các nền kinh tế trong khu vực đã có kịch bản mở cửa trở lại rất cụ thể. Doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với Chính phủ nhưng mong Chính phủ cần linh hoạt hơn, năng động hơn trong quá trình ra quyết sách. Tình hình đặc thù cần chính sách đặc thù mà điều đó mới mang lại hiệu quả cao nhất, lợi ích lớn nhất cho người dân và doanh nghiệp thay vì phải hỗ trợ bằng bơm tiền.

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị thực hiện ngay chính sách visa vaccine để người có chứng nhận đã tiêm chủng sẽ được nhập cảnh. Liệu phương án mở cửa du lịch với “hộ chiếu vaccine” có khả thi?

Tôi lại muốn đặt vấn đề là chúng ta sẽ hành động thế nào trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang thúc đẩy kế hoạch hoàn tất tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân vào quý II/2021 và có thể mở cửa vào quý III/2021. Quan điểm của tôi là cần lên các phương án sớm, để tùy theo tình hình thực tế có thể triển khai ngay.

Du lịch - dịch vụ đang đóng góp 10%-15% GDP. Nếu du lịch - dịch vụ hoạt động trở lại sớm, sẽ góp phần vào thực hiện kế hoạch tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, quan trọng hơn là tạo việc làm cho người lao động... Nhưng nếu không thay đổi quyết liệt, đến tháng 5 tới sẽ mất tiếp một mùa du lịch và năm nay mất thêm 10-15% GDP nữa thì khả năng phục hồi sẽ rất lâu sau nữa.

Nếu các cơ sở lưu trú, những người hoạt động trong ngành du lịch, vận chuyển khách... được tiêm vaccine sớm thì phương án mở cửa du lịch với “hộ chiếu vaccine” là khả thi. Và ta sẽ kịp đón được mùa du lịch hè - mùa du lịch Noel… Như vậy hy vọng ngành du lịch sẽ phục hồi được 80%.

Chính phủ đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine. Nhưng vấn đề là nguồn lực nhà nước có hạn, làm sao có đủ vaccine cho mọi người dân sớm nhất?

Lúc này, chúng ta phải tận dụng mọi nguồn lực, Chính phủ không thể lo hết được, Chính phủ chỉ cần thực hiện vai trò điều phối rõ ràng. Nguồn vaccine Chính phủ mua từ ngân sách chỉ để tiêm cho các đối tượng cần ưu tiên, ưu tiên cho những lực lượng chống dịch, dễ bị tổn thương.

Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ có đề nghị địa phương đa dạng hóa nguồn vaccine. Hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI và cả doanh nghiệp trong nước cùng một số địa phương đã sẵn sàng tự mua vaccine để tiêm cho người lao động và cả gia đình người lao động. Chỉ cần Bộ Y tế đưa ra tiêu chuẩn về vaccine, các doanh nghiệp, địa phương căn cứ theo tiêu chuẩn đó để mua; Ban chỉ đạo phòng chống dịch không cần phải ngồi họp để phân ra mỗi tỉnh được bao nhiêu liều nữa. Việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, có thể thực hiện được ngay. Cách làm này sẽ giúp tiêm chủng rất nhanh và chúng ta có thể mở cửa trong tháng 6 này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tri Nhân thực hiện

07/04/2021
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368