024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Hy sinh lợi nhuận hỗ trợ khách hàng.

 

hy sinh loi nhuan ho tro khach hang

Các ngân hàng đang cắt giảm mạnh lãi suất, phí để hỗ trợ khách hàng

Hơn 30% lợi nhuận dự kiến của hệ thống ngân hàng trong năm 2021 có thể giảm để tập trung các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua dịch bệnh Covid-19.

Bước sang các tháng quý III, do tác động của dịch Covid-19 lần thứ tư, kinh tế nhiều tỉnh, thành tại khu vực phía Nam như: TP.HCM, Bình Dương và 13 tỉnh khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đó, để mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhiều ngân hàng đã chủ động tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận và gia tăng các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng của mình.

Cắt giảm lợi nhuận hỗ trợ khách hàng

Agribank trong lần thông báo gần nhất, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 20.000 khách hàng, miễn giảm lãi vay cho gần 1.500 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 63.500 tỷ đồng. Theo đó, chỉ tính riêng chương trình giảm 10% đối với các khoản vay phát sinh từ 15/7/2021, đã có khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ được ngân hàng này giảm lãi suất tương đương số lãi giảm hơn 4.600 tỷ đồng. Nếu tính tất cả các gói tín dụng ưu đãi mà Agribank đang thực hiện, như: gói 300.000 tỷ đồng và 300 triệu USD (dành cho DNNVV, khách hàng lớn, tài trợ xuất nhập khẩu…), gói 200.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gói 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng… trong năm nay Agribank dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.

Ba ngân hàng có vốn nhà nước chi phối còn lại cũng đã công bố chủ động giảm chỉ tiêu lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng đã triển khai đồng loạt các biện pháp giảm lãi, phí và gia hạn nợ cho khách hàng. Đơn cử như VietinBank, đến hết tháng 6/2021 ngân hàng này đã giảm lãi suất cho gần 7.500 khách hàng với số lãi thực hạ gần 4.000 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ có khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận được ngân hàng cắt giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Trong khi Vietcombank dự kiến giảm lợi nhuận khoảng 7.000 tỷ đồng và BIDV cũng giảm tương tự.

Không chỉ các NHTM Nhà nước, những ngân hàng trong khối cổ phần cũng chủ động cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Theo đó, các ngân hàng như: LienVietPostBank, Sacombank, MB, ACB, HDBank… cam kết sẽ cắt giảm hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi và giãn nợ.

Theo tính toán của Nhóm tác giả thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, trong 7 tháng đầu năm vừa qua hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ nền kinh tế khoảng 34.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào miễn, giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu và cho vay mới với lãi suất thấp. Trong các tháng còn lại của năm 2021, 16 NHTM (chiếm 80% thị phần tín dụng) cam kết sẽ giảm 20.300 tỷ đồng. Ngoài cam kết này, 4 NHTM Nhà nước mỗi đơn vị còn cam kết giảm thêm 1.000 tỷ đồng ngoài.

TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, nếu từ tháng 8 đến cuối năm nay các ngân hàng thực hiện cam kết, hệ thống ngân hàng sẽ giảm thêm khoảng 28.200 tỷ đồng (bao gồm cả giảm phí thanh toán) để hỗ trợ khách hàng. Như vậy, tổng tổng số tiền ngành Ngân hàng hỗ trợ cho nền kinh tế năm 2021 là khoảng 62.200 tỷ đồng. Con số này cao gấp hơn 2 lần tổng mức hỗ trợ năm 2020 và tương đương gần 30% lợi nhuận dự kiến của ngành Ngân hàng năm 2021 và là mức hỗ trợ chưa từng có trong lịch sử ngân hàng.

Tăng thu dịch vụ để hỗ trợ bền vững

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính nhận định diễn biến dịch bệnh kéo dài, dư địa để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, giãn nợ là không còn nhiều. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nay các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 03/2021 của NHNN, lộ trình trích lập này thực hiện liên tiếp trong 3 năm. Vì vậy, trong năm nay các ngân hàng phải trích lập 40.000-45.000 tỷ đồng thì mới đảm bảo. Vừa phải trích lập lớn vừa phải giảm đến 30% thu nhập lãi để hỗ trợ khách hàng nên lợi nhuận cả năm 2021 của các ngân hàng theo ông Lực sẽ không còn sáng.

Đồng quan điểm, các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong nửa cuối năm 2021, NIM của các TCTD nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì thế để tiếp tục hỗ trợ khách hàng mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh, các ngân hàng buộc phải đa dạng hóa nguồn thu nhập. Trong đó, thu nhập từ các hoạt động dịch vụ sẽ là yếu tố mà các nhà băng quan tâm hàng đầu trong nửa cuối 2021. Trên thực tế, nhiều năm trở lại đây, các ngân hàng cũng tích cực khai thác hoạt động dịch vụ để đa dạng hóa nguồn thu và đảm bảo tăng trưởng bền vững. Trong đó thu từ hoạt động bancassurance chiếm một tỷ trọng khá lớn và liên tục tăng trưởng nhanh trong thời gian qua.

Theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, các ngân hàng có sự đóng góp từ hợp đồng bancassurance độc quyền với các doanh nghiệp bảo hiểm (bao gồm cả phí trả trước và phí hoa hồng) hiện nay là những ngân hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong hệ thống, bao gồm: Vietcombank, ACB, SHB, LienVietPostBank, MSB… Trong vòng 8 năm liên tiếp gần đây, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng cũng đã tăng trưởng kép 25,6%. Vì vậy, mặc dù thời điểm hiện tại, các nhà băng chủ yếu vẫn đang hỗ trợ miễn giảm nhiều loại phí giao dịch trực tuyến, nhưng trong các năm tới khi hệ thống ngân hàng số xây dựng thành công các tệp khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến thì doanh thu phí sẽ là khoản doanh thu có tiềm năng tăng trưởng mạnh ở các ngân hàng, bởi hành vi người tiêu dùng thay đổi và tốc độ tăng trưởng thanh toán trực tuyến tại Việt Nam đang ngày càng mạnh mẽ.

Nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Agribank tiếp tục thực hiện chính sách miễn phí dịch vụ trên tất cả các kênh giao dịch. Theo đó, từ ngày 01/09/2021, Agribank miễn 100% phí dịch vụ thanh toán (bao gồm cả phí dịch vụ liên quan đến hoạt động cho vay) đối với tất cả khách hàng khi giao dịch tại quầy và trên các kênh ngân hàng điện tử của Agribank. Chính sách miễn phí dịch vụ này được áp dụng tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện cho đến khi hết thời gian thực hiện cách ly xã hội.

 

Trích nguồn

Thạch Bình

09/09/2021
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368