024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Covid-19 và xu hướng thay đổi trong hoạt động kiểm toán nội bộ.

 

Đại dịch Covid-19 đã làm nổi rõ các rủi ro mới, trong đó có rủi ro mà trước đây DN có thể chưa dự tính đầy đủ. Do vậy, bộ phận kiểm toán nội bộ (KTNB) cần nắm bắt được những thay đổi đã xảy ra và linh hoạt trong kế hoạch kiểm toán để giúp DN quản lý rủi ro, đạt được mục tiêu đã đề ra.

 

KTNB đóng vai trò tư vấn để gia tăng giá trị cho DN. Ảnh minh họa

Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động kiểm toán nội bộ

Tại Hội thảo trực tuyến do Hiệp hội Kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA-The Institute of Internal Auditors) tổ chức vào đầu quý II/2020, hơn 2.500 người tham gia đã được yêu cầu xác định chức năng nào trong hoạt động KTNB bị tác động mạnh nhất từ Covid-19 đối với đơn vị. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 45% số người được khảo sát cho biết DN đã phải đánh giá lại rủi ro và cập nhật lại hồ sơ đánh giá rủi ro khi Covid-19 xảy ra; 39% câu trả lời cho biết DN đã phải cập nhật lại kế hoạch kiểm toán, từ đó thay đổi thời gian, phương thức dự kiến kiểm toán đối với một số dự án; 31% số người được khảo sát cho biết tại DN, các biện pháp kiểm soát nội bộ cốt lõi bị tác động mạnh do không thể thực hiện phương thức truyền thống trong điều kiện giãn cách xã hội… 

Theo báo cáo KTNB của Hiệp hội Kiểm toán viên nội bộ Bắc Mỹ công bố hồi đầu năm 2020, hơn 3/4 số người được hỏi cho rằng an ninh mạng có rủi ro cao hoặc rất cao. Tuy nhiên, gần 1/3 số người trả lời cho biết DN không dành phần nào trong kế hoạch kiểm toán cho rủi ro phổ biến và nổi bật này. Thêm nữa, gần một nửa (48%) số người được khảo sát cho biết không dành phần nào trong kế hoạch kiểm toán cho các mối quan hệ của bên thứ ba… 

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách thức cũng như phương pháp hoạt động của nhiều DN, tổ chức, đơn vị, trong đó có hoạt động KTNB. Với vai trò là một bộ phận độc lập với các hoạt động của DN, KTNB không chỉ dừng lại ở mức kiểm tra tuân thủ, ứng phó mà còn đóng vai trò tư vấn để gia tăng giá trị cho DN. Do đó, hơn bao giờ hết, KTNB cần có sự thay đổi mạnh mẽ để hỗ trợ DN tốt hơn.

Xu hướng thay đổi trong hoạt động KTNB sau đại dịch Covid-19

Trước những rủi ro mới nổi do đại dịch Covid-19, bộ phận KTNB của các DN phần lớn đã điều chỉnh hoạt động. Báo cáo của IIA cho thấy, 56% người được khảo sát đã tạm dừng và thu hẹp phạm vi KTNB, trong khi 48% DN đã hủy bỏ một số dịch vụ kiểm toán thì có 39% sử dụng thêm dịch vụ kiểm toán mới. Có tới 38% người được khảo sát cho biết DN của họ đã định hướng lại nhân sự để hỗ trợ DN trong thời gian khủng hoảng này bằng cách không kiểm toán.

Do toàn bộ xã hội đã thay đổi nhất định sau Covid-19, nhiều khả năng bộ phận KTNB cũng không trở lại hoạt động như bình thường. Bởi vậy, các kiểm toán viên nội bộ cần xem đây là một cơ hội để cải thiện sự hiểu biết về những rủi ro mà DN đang phải đối mặt và có thể phải đối mặt trong tương lai cũng như cập nhật quy trình mới. Khi các hoạt động bắt đầu ổn định, hoạt động của KTNB cũng sẽ dần thay đổi. 

Theo đó, KTNB cần tập trung đánh giá lại hoạt động kinh doanh của DN thông qua việc tích cực tham gia thảo luận về những bài học sau đại dịch cũng như xác nhận rằng DN đã hoàn thành sự chuẩn bị đầy đủ cuối đại dịch để tối đa hóa doanh thu khi hoạt động trở lại bình thường… Đặc biệt, KTNB cần xem xét những công nghệ quan trọng nào nên có trong tương lai để tư vấn cho lãnh đạo, giúp điều hành hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả. 

Bộ phận KTNB cần xác minh rằng quy trình đánh giá rủi ro đã bao gồm tất cả rủi ro có thể có tác động đáng kể đến DN trong 4 đến 12 tháng tiếp theo, ngay cả khi khả năng xảy ra là thấp cũng như đánh giá tần suất, phạm vi những người liên quan và loại báo cáo của quy trình quản lý rủi ro hiện tại. Đồng thời, KTNB cần tận dụng tối đa việc tự động hóa để nhận diện, tổng hợp, đánh giá và báo cáo về rủi ro. Trong đó, chú trọng xem xét các giải pháp quản lý rủi ro dựa trên công nghệ điện toán đám mây cho phép kiểm toán, đánh giá rủi ro và kiểm soát tuân thủ một cách nhanh chóng, dễ dàng, trực quan và tạo báo cáo rủi ro theo thời gian thực.

Hoạt động KTNB có xu hướng tập trung vào việc đánh giá kế hoạch nguồn lực và ngân sách KTNB để nhận diện ảnh hưởng của đại dịch đến KTNB; xem xét ảnh hưởng của việc sa thải bộ phận, rút tiền và cắt giảm ngân sách đến hoạt động kiểm toán; đánh giá lại kế hoạch KTNB để đảm bảo nguồn lực kiểm toán tập trung vào quá trình và các lĩnh vực rủi ro quan trọng nhất đối với DN trong tác động của Covid-19. Bộ phận KTNB cũng sẽ đánh giá lại cách thức KTNB tham gia với chủ sở hữu kiểm soát và khách hàng kiểm toán; nhận định cơ hội để tự động hóa toàn bộ quy trình từ yêu cầu chứng từ và xác nhận các vấn đề kiểm toán đã được khắc phục. Việc thực hiện các hoạt động này nhằm tăng cường hiệu suất kiểm soát, phát huy tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro và kiểm soát trách nhiệm để quản lý sự thay đổi.

Trích nguồn

TS. VŨ THỊ PHƯƠNG LIÊN, ThS. DƯƠNG THỊ THẮM/ Học viện Tài chính

26/11/2020
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368