Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng Việt Nam
Xin hỏi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng tại Việt Nam được quy định thế nào? Về vấn đề này, Chúng tôi xin giải đáp như sau:
1. Nhà đầu tư nước ngoài gồm những ai?
Theo khoản 3, 4 và 5 Điều 3 Nghị định 01/2014/NĐ-CP thì nhà đầu tư nước ngoài bao gồm tổ chức nước ngoài và cá nhân nước ngoài, theo đó:
- Tổ chức nước ngoài bao gồm:
+ Tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài và chi nhánh của các tổ chức này tại nước ngoài và tại Việt Nam.
+ Tổ chức, quỹ đóng, quỹ thành viên, công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%.
- Cá nhân nước ngoài là người không mang quốc tịch Việt Nam.
2. Hình thức mua cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng Việt Nam
Hình thức mua cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng Việt Nam theo Điều 6 Nghị định 01/2014/NĐ-CP như sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của cổ đông của tổ chức tín dụng cổ phần.
- Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng cổ phần bán cổ phần để tăng vốn điều lệ hoặc bán cổ phiếu quỹ.
- Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng chuyển đổi hình thức pháp lý thành tổ chức tín dụng cổ phần.
3. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng Việt Nam
Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng Việt Nam theo Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP như sau:
(1) Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
(2) Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam trừ trường hợp quy định tại (3) mục này.
(3) Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
(4) Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
(5) Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết.
(6) Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng thì:
Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định tại (2), (3), (5) mục này đối với từng trường hợp cụ thể.
(7) Tỷ lệ sở hữu quy định tại (1), (2), (3), (4), (5), (6) mục này bao gồm cả phần vốn nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần.
(8) Nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của tổ chức tín dụng Việt Nam sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần, điều kiện sở hữu cổ phần theo quy định.
4. Thẩm quyền, trình tự và hồ sơ nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam
Theo Điều 8 Nghị định 01/2014/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, trình tự và hồ sơ nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam như sau:
(1) Trường hợp mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu cổ phần từ 10% vốn điều lệ trở lên; mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của một tổ chức tín dụng Việt Nam:
- Tổ chức tín dụng Việt Nam (đối với tổ chức tín dụng chưa niêm yết cổ phiếu) hoặc tổ chức nước ngoài (đối với tổ chức tín dụng đã niêm yết cổ phiếu) lập hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện, qua mạng điện tử đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận trước khi thực hiện giao dịch.
- Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ vào các điều kiện quy định tại các Điều 9, 10 Nghị định 01/2014/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận bằng văn bản việc mua cổ phần của tổ chức nước ngoài. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải nêu rõ lý do.
(2) Trường hợp mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên và mua thêm cổ phần khi tổ chức nước ngoài đã sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại (1) mục này, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng.
(3) Các trường hợp mua cổ phần khác, trừ các trường hợp quy định tại (1) và (2) như sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam chưa niêm yết cổ phiếu lập hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện đến tổ chức tín dụng Việt Nam quyết định để đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP.
Tổ chức tín dụng Việt Nam quy định cụ thể hồ sơ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tổ chức tín dụng Việt Nam phải trả lời nhà đầu tư nước ngoài bằng văn bản. Trường hợp không chấp thuận, tổ chức tín dụng Việt Nam phải nêu rõ lý do.
- Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng cổ phần đã niêm yết cổ phiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và phải tuân thủ quy định tại Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP.
(4) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hồ sơ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam quy định tại (1) và (2) mục này.
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng.
Trích nguồn
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt