![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Gia hạn kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm thay đổi về trích lập dự phòng và
cách phân loại nợ đối với số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp.(Ảnh minh họa)
NHNN vừa có ý kiến tham gia góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Tham gia góp ý về quy định thay đổi kỳ hạn trái phiếu đã phát hành, NHNN đề nghị Bộ Tài chính: Làm rõ nội dung sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về gia hạn kỳ hạn trái phiếu là quy định mang tính định hướng dài hạn hay quy định mang tính tình thế trong một giai đoạn để quy định phù hợp; Làm rõ doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư có được thỏa thuận kéo dài kỳ trả lãi hay không. Đồng thời, đánh giá thêm tác động đối với nhà đầu tư. Vì việc cho phép doanh nghiệp phát hành gia hạn kỳ hạn trái phiếu có thể tác động xấu đến tâm lý của nhà đầu tư.
NHNN cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung căn cứ, cơ sở và có báo cáo đánh giá tác động của quy định cho phép thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành trước khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành để đảm bảo tính khả thi. Trường hợp Nghị định cho phép gia hạn kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm thay đổi về trích lập dự phòng và cách phân loại nợ đối với số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư như công ty chứng khoán, TCTD...
Do đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính rà soát, bổ sung quy định cụ thể để doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư có cơ sở thực hiện, đặc biệt trong trường hợp nhiều nhà đầu tư (TCTD, tổ chức, cá nhân) cùng mua một lô trái phiếu doanh nghiệp. Vì theo quy định hiện hành, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại số tiền mua, ủy thác cho tổ chức khác (bao gồm cả TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết như là một khoản cho vay không có bảo đảm đối với bên phát hành trái phiếu, trừ trường hợp trái phiếu doanh nghiệp được bảo đảm thanh toán bằng tài sản…
Về quy định chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay, Dự thảo Tờ trình Chính phủ chưa phân tích cụ thể về sự cần thiết, mặt được, mặt hạn chế và đánh giá tác động của việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường tài chính. Do đó, NHNN đề nghị bổ sung các nội dung này và cơ sở đề xuất quy định này.
Trường hợp Bộ Tài chính đưa ra được sự cần thiết đối với quy định chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, thì Dự thảo Nghị định cần bổ sung các quy định cụ thể, vì đây là phần nợ của doanh nghiệp được chuyển từ trái phiếu sang, để tránh tranh chấp; đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, như: điều kiện được chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, các nội dung và thẩm quyền phê duyệt phương án chuyến đổi trái phiếu thành khoản vay, trách nhiệm của nhà đầu tư khi cho vay; trách nhiệm của đơn vị tư vấn hồ sơ phát hành và chuyến đổi trái phiếu thành khoản vay trong việc xây dựng kế hoạch bố trí nguồn và phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu/khoản vay; trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành và trách nhiệm của các cơ quan quản lý quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc khoản vay... và các quy định cần thiết khác để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường vay nợ, thị trường tài chính trong tương lai.
Cơ sở pháp lý để chuyển khoản nợ gốc lãi trái phiếu thành khoản vay cũng cần phải được làm rõ. Theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP, trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán do doanh nghiệp phát hành và xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành. Theo đó, việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay không làm thay đổi về bản chất phần nợ của doanh nghiệp, nhưng làm hạn chế về tính thanh khoản (do khoản vay khó giao dịch hơn trái phiếu), làm thay đổi lớn về quyền của nhà đầu tư và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành.
NHNN đề xuất Bộ Tài chính tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp về nội dung quy định về chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay có thể có mâu thuẫn với các luật khác. Tại Luật các TCTD hiện không có quy định về việc TCTD chuyển khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thành khoản cho vay. Theo khoản 16 Điều 4 Luật các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định: Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó TCTD giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Tuy nhiên, trường hợp nhà đầu tư là TCTD chuyển đổi trái phiếu doanh nghiệp thành khoản vay với doanh nghiệp phát hành thì không phát sinh việc giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền (không có phát sinh dòng tiền từ TCTD cho doanh nghiệp phát hành). Do đó, sẽ vướng quy định về cho vay tại khoản 16 Điều 4 Luật các TCTD.
Đối với trường hợp nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức (không phải TCTD) nắm giữ trái phiếu của TCTD phát hành đề nghị chuyển khoản nợ gốc lãi trái phiếu do TCTD phát hành thành khoản vay theo dự thảo, Luật các TCTD không có quy định về việc chuyển đổi trái phiếu do TCTD phát hành thành khoản vay, và không có quy định TCTD vay cá nhân nên không có cơ sở pháp lý để TCTD chuyển đổi trái phiếu phát hành thành khoản vay.
Đối với trường hợp doanh nghiệp phát hành là tổ chức không phải TCTD và nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức (không phải TCTD) chuyển khoản nợ gốc lãi trái phiếu thành khoản vay: Theo Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính, trường hợp này thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Tuy nhiên tại Bộ luật Dân sự không có quy định về việc chuyển đổi khoản trái phiếu thành khoản vay. Các quy định tại Luật Chứng khoán cũng không có quy định về việc chuyển đổi khoản trái phiếu thành khoản vay.
Do đó, NHNN đề nghị Bộ Tài chính rà soát, bỏ quy định về chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay tại dự thảo Nghị định. Về quy định chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành tài sản khác, NHNN đề nghị bổ sung cơ sở pháp lý của đề xuất và đánh giá tác động của quy định này, đặc biệt là việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành bất động sản. Trường hợp cần thiết đề nghị đưa ra các điều kiện đối với bất động sản được làm tài sản chuyển đổi như bất động sản được dùng làm tài sản chuyển đổi đảm bảo có giấy tờ pháp lý rõ ràng, có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh...
Trích nguồn
Dương Công Chiến