024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Giảm lãi suất điều hành: Bước đi chủ động, phù hợp với thực tiễn

 

giam lai suat dieu hanh buoc di chu dong phu hop voi thuc tien

Giảm lãi suất điều hành: Bước đi chủ động, phù hợp với thực tiễn (Ảnh minh họa)

Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ tạo điều kiện để các TCTD giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, giảm một phần chi phí tài chính cho doanh nghiệp; tăng trưởng tín dụng vì thế được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn, qua đó hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi.

Tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay

NHNN vừa ban hành Quyết định số 313/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD. Theo đó, kể từ ngày 15/3/2023, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Trao đổi với phóng viên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, mặc dù nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn do chính sách tài chính, lãi suất của các nước trong đó có Mỹ, nhưng nền kinh tế cũng phát đi tín hiệu tích cực trong kiểm soát lạm phát và Chính phủ đang triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả các chính sách, NHNN thấy rằng, điều hành chính sách tiền tệ có thể tiếp tục linh hoạt, trước mắt sẽ giảm 1% một số lãi suất điều hành. Quyết định này nhằm tạo thông điệp cho các NHTM giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Từ đó, giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, nhanh chóng khôi phục, nhất là lĩnh vực động lực của nền kinh tế.

“Thời gian qua các ngân hàng cũng đã cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Và trên cơ sở NHNN hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng lại có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chia sẻ thêm.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực đánh giá, quyết định giảm một số lãi suất điều hành của NHNN là động thái khá mạnh dạn nhưng hoàn toàn phù hợp. Đầu tiên, xét các yếu tố bên ngoài, áp lực lãi suất và tỷ giá từ bên ngoài đã và đang giảm dần, nhất là sau sự cố Ngân hàng SVB của Mỹ, nhiều NHTW, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất.

Ở trong nước, thanh khoản hệ thống có nhiều cải thiện thời gian qua. Theo NHNN, thanh khoản của hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc của hệ thống. Trong khi, lạm phát trong nước cũng được kiểm soát tốt và có dấu hiệu hạ nhiệt. Đó là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất huy động cũng như giảm lãi suất cho vay trong thời gian qua.

Trên thực tế, ngay sau quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhóm 4 NHTM có vốn Nhà nước đã đồng loạt giảm 0,2%/năm lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2%/năm so với mức niêm yết tuần trước. Việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động tạo tiền đề cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nhận định, với động thái mới từ NHNN, lãi suất sẽ sớm giảm trong thời gian tới. “Đây là chỉ dấu rất rõ ràng cho thị trường rằng NHTW muốn lãi suất hạ tiếp xuống và chúng ta có thể kỳ vọng hết tháng này và sang quý sau lãi suất sẽ hạ nhiệt”, ông Hưng nói thêm.

Với quyết định giảm lãi suất điều hành, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân bày tỏ vui mừng cho biết, lãi suất càng giảm thêm càng tốt, giúp khó khăn của doanh nghiệp vơi đi. Chủ tịch Tập đoàn Nam Kim, Nguyễn Kim Hùng chia sẻ, việc NHNN hạ lãi suất kịp thời đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Tuy vậy, ông Hùng cho rằng, hạ lãi suất điều hành chưa thể tác động tích cực ngay đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bởi sức hấp thụ vốn đang yếu đi.

“Lãi suất giảm là rất đáng hoan nghênh, song tiếp cận vốn mới là vấn đề quan trọng hàng đầu, đặc biệt là với các DNNVV. Tăng trưởng tín dụng quý 1 năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái là minh chứng cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu đi. Đây là điều cần quan tâm để đưa ra thêm các chính sách phù hợp, cộng hưởng với lãi suất hạ, thì mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Không chủ quan với lạm phát

Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, sẽ tạo điều kiện để các TCTD giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, giảm một phần chi phí tài chính cho doanh nghiệp; tăng trưởng tín dụng vì thế được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn, qua đó hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể huy động vốn mới với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc giảm một số loại lãi suất điều hành tạo điều kiện để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất huy động. Đây cũng là cơ sở để các TCTD hạ lãi suất cho vay. Từ đó, hỗ trợ một phần chi phí lãi suất, giúp giảm chi phí đầu vào chung của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vay nhiều đang gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý NHNN đang chỉ đạo tập trung hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nhiều hơn vào các khoản tín dụng ngắn hạn bằng VND hay hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, việc hỗ trợ có định hướng chứ không phải tất cả các lĩnh vực.

Đồng tình như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực một phần lên TTCK và bất động sản khi mà nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về triển vọng phục hồi của TTCK hoặc chi phí mua bất động sản thấp hơn…

Giảm lãi suất điều hành thể hiện thông điệp định hướng của NHNN trong việc sẵn sàng cung ứng vốn với chi phí hợp lý cho nền kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn. Song giới chuyên môn cũng lưu ý điều hành chính sách tiền tệ không chủ quan với áp lực lạm phát. Về vấn đề này, NHNN cho biết, sẽ không chủ quan khi mà lạm phát trong nước dù đang có dấu hiệu hạ nhiệt, song vẫn ở mức rất cao, trong khi vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, bất định từ thị trường thế giới. Đó chính là lý do các NHTW lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt CSTT, lãi suất thời gian tới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất trắc, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:

Điều hành chính sách theo sát tình hình thị trường tài chính

Để chính sách giảm lãi suất phát huy tác dụng và nhất là có điều kiện giảm tiếp các lãi suất khác trên diện rộng, vấn đề lạm phát không được chủ quan. Bởi vì lạm phát của Việt Nam còn cao, áp lực tăng còn khá lớn do có độ trễ nhập khẩu lạm phát; giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể tăng như giá điện, phí y tế - giáo dục, lương cơ sở tăng từ ngày 1/7, cung tiền năm nay khá lớn từ đầu tư công, tín dụng, kênh dẫn vốn khác được khơi thông tốt hơn... Theo đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, giá cả và các chính sách vĩ mô khác. Việc theo sát tình hình thị trường tài chính quốc tế là cần thiết. Nhất là sau các sự cố phá sản ngân hàng Mỹ vừa qua, để phân tích, dự báo và đưa ra kịch bản ứng phó phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống tài chính trong nước, cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro hệ thống ngân hàng, chứng khoán.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh, tạo điều kiện giảm lãi suất đầu vào cũng như đầu ra.

Ngoài ra, bản thân các TCTD và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, tiết giảm chi phí, tăng cường quản lý rủi ro, nhất là rủi ro thị trường – trong đó có rủi ro lãi suất, tỷ giá, rủi ro thanh khoản. Qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng và bền vững hơn…

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Vietcombank:

Lãi suất hạ nhiệt kích cầu tín dụng

Có thể nói trong suốt thời gian qua, các chính sách điều hành của NHNN rất linh hoạt bám sát nhu cầu thị trường. Chúng ta thấy từ cuối năm trước đến đầu năm nay có một vấn đề là lãi suất cho vay và huy động đều tăng cao. Tôi cũng hiểu là NHNN rất trăn trở tìm hướng cho việc giảm mặt bằng lãi suất chung. Khi môi trường kinh tế thế giới cũng như môi trường kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhất là 2 tháng đầu năm diễn biến tích cực hơn, NHNN đã có động thái giảm 1% lãi suất điều hành, trong đó có giảm trần lãi suất cho nhóm khách hàng khu vực ưu tiên từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm. Đây sẽ là tín hiệu tích cực đối với hoạt động ngân hàng nói chung, tín hiệu tốt cho nền kinh tế.

Vietcombank sẽ rà soát ban hành lại các quy định về lãi suất huy động cũng như trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên. Trước đó, trong 3 tháng đầu năm, Vietcombank cũng đã chủ động giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả các khoản vay của khách hàng. Với mặt bằng lãi suất hạ nhiệt có thể kích cầu tín dụng của các doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân. Thực tế là từ đầu năm đến nay có dấu hiệu cầu giảm sút.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng:

Cơ sở cho NHTM giảm lãi suất

Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là rất phù hợp với cả bối cảnh trong nước và thế giới. Trong các dự báo gần đây, các chuyên gia cũng đều cho rằng, Fed sẽ xem xét lại chính sách tăng lãi suất của mình, tăng nhẹ hơn, thậm chí còn chững lại. Trong nước, tăng trưởng tín dụng chậm lại, người dân thận trọng vay vốn vì lãi suất đang ở mức cao. Vì vậy, việc giảm lãi suất là cần thiết.

Tất nhiên, giảm lãi suất có thể kéo tăng áp lực lạm phát, tuy nhiên mức giảm từ 0,5% - 1% sẽ không tác động nhiều đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Trong khi đó, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là động thái “bật đèn xanh” để các NHTM thực hiện giảm lãi suất huy động, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay xuống.

Thực tế, thời gian vừa qua lãi suất huy động đã giảm. Thời gian tới, lãi suất huy động lại có “cớ” để tiếp tục điều chỉnh giảm thêm. Theo đó, lãi suất cho vay cũng sẽ hạ nhiệt theo xu thế chung, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Trích nguồn

Hà Thành

20/03/2023
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368