024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Diễn đàn VBF: Đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh

 

dien dan vbf dong hanh cung chinh phu viet nam trong thuc day tang truong xanh

Sáng 19/3 tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới; ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Đối thoại, thống nhất và đồng hành để phát triển kinh tế xanh, bền vững

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022 là một năm kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen song Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng là 8,02%, GDP bình quân/người hơn 4.000 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,5%; trong đó, vốn FDI giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỉ USD.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, đã có hơn 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

 

dien dan vbf dong hanh cung chinh phu viet nam trong thuc day tang truong xanh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.

“Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới”, Bộ trưởng khẳng định.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Việt Nam đã sớm tiếp cận với mô hình phát triển xanh và bền vững. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành: (1) Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; (3) Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Các nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.

Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh; từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều thách thức khó khăn nhưng cũng mở ra không ít cơ hội. Với tầm nhìn xa, hoài bão lớn, quyết tâm cao, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được điều đó, chúng ta cần đồng tâm, hiệp lực, kiên định triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm thực hiện các cam kết quốc tế mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh” hết sức có ý nghĩa. Hội nghị sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; có cam kết, lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện đầu tư kinh doanh có hiệu quả; có trách nhiệm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Cơ hội và không gian phát triển mới

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam lưu ý, kết quả đạt được năm 2022 là rất ấn tượng, nhưng các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 đã cho thấy những dấu hiệu đáng quan ngại, đòi hòi cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ cần đồng hành và hành động quyết liệt hơn nữa.

Đà tăng trưởng kinh tế đã suy giảm rõ rệt và trong 2 tháng đầu năm 2023, đã có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển rất cao, đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, đến năm 2050 giảm phát thải ròng các-bon bằng 0.

“Rõ ràng, để Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng hành, phải cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, bền vững”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Để đến giữa thế kỷ này trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại, Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép là phát triển nhanh và xanh, với mức tăng trưởng GDP duy trì ở khoảng 6-7%/năm, đồng thời phải đưa công nghệ xanh vào phổ cập trong hoạt động kinh tế.

Chính mục tiêu và yêu cầu phát triển này tạo ra cơ hội và không gian phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, cho các nhà đầu tư quốc tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn ủng hộ, hưởng ứng và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu và cam kết phát triển quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường.

Diễn đàn VBF cấp cao ngày hôm nay là dịp để cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đề xuất với Chính phủ các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh. Đồng thời, cũng thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

 

dien dan vbf dong hanh cung chinh phu viet nam trong thuc day tang truong xanh

Theo đồng chủ trì Diễn đàn, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), nhận thức được nhu cầu giảm thiểu khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra những cam kết tại COP26. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có.

Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới dự báo, lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững cần phải có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD cho tới năm 2040 và một nửa phần này (khoảng 184 tỷ USD) cần đến từ khu vực tư nhân.

“Để huy động được thì chúng ta phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn”, ông Thomas Jacobs đề xuất.

Bên cạnh đó, cần có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành rất quan trọng này. Đồng thời trên thị trường vốn, cần có các mô hình huy động trái phiếu bền vững và các cấu trúc phù hợp để Việt Nam đạt được những nguồn tài chính cần thiết trong lộ trình biến đổi khí hậu của mình.

Ngoài ra, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn nữa trong thị trường carbon. “Đây là thị trường mang tính tự nguyện nhưng sau này, bắt buộc chúng ta bảo đảm được môi trường đó phát triển mạnh mẽ và có được nền kinh tế xanh hơn trong việc giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như tiếp cận hàng hóa tốt hơn. Điều này cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực tư nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ mới cho nền kinh tế xanh Việt Nam”, Giám đốc Quốc gia IFC lưu ý.

Phiên cấp cao của VBF gồm hai phiên thảo luận: (i) Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế xanh; (ii) Vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các phiên thảo luận này tập trung vào các nhóm vấn đề, bao gồm: Kinh tế xanh, phát triển bền vững và tăng cường năng lực trong bối cảnh mới: chuẩn bị cho giai đoạn chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tiến đến phát triển bền vững; Nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Sau phần trình bày của các Hiệp hội doanh nghiệp và một số nhóm công tác thuộc VBF, đại diện các Bộ, ngành liên quan sẽ có những phản hồi về các vướng mắc và các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Tiếp sau đó trước khi bế mạc Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có phát biểu chỉ đạo, khái quát lại những kết quả kinh tế đạt được trong thời gian qua và những hỗ trợ, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài; các cam kết, mục tiêu lớn liên quan đến tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thời gian tới và kỳ vọng đồng hành cũng như gợi mở các nội dung hợp tác trong tương lai…

Trích nguồn

Lê Đỗ

21/03/2023
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368