024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Điều hành giá linh hoạt, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế

 

Trong quý I năm 2023, do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen, giá vật liệu xây dựng có biến động tăng trong Quý I. Vì vậy, công tác điều hành một số mặt hàng thiết yếu được cân nhắc kỹ lưỡng trên tinh thần hỗ trợ đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành cân nhắc kỹ thời điểm và mức điều chỉnh các mặt hàng “nhạy cảm”

Quý I, chưa điều chỉnh giá các dịch vụ công

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong quý I/2023, công tác điều hành xăng dầu trong nước được Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều hành nhất quán, đúng quy định đã góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát. Trong quý I, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 – 950 đồng/lít tùy loại để bình ổn giá xăng dầu trong nước. Ngoài ra, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn cũng đã giúp cho giá xăng dầu trong nước ổn định. Tuy nhiên, trong một số thời điểm, một số mặt hàng có mức tăng giá lớn hơn so với mức tăng giá thế giới do tỷ giá USD tăng cao.

Giá dịch vụ vận tải tương đối ổn định, hơn nữa ở lĩnh vực vận tải đường sắt đang có chiều hướng giảm nên giá cước vận tải hàng hóa vẫn ổn định. Tại lĩnh vực vận tải hàng hải đang có chiều hướng giảm sâu do từ đầu năm 2022 đến nay giá đã giảm trên 80% so với thời kỳ đỉnh điểm vào tháng 9/2021. Hiện tại, mức giá cước còn thấp hơn khoảng 30% so với mức giá trung bình trong 10 năm trở lại đây cho thấy xu hướng vận tải đã quay trở lại trạng thái bình thường, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc giảm chi phí và thời gian vận tải.

Trong quý I, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng về cơ bản ổn định, duy có giá thép xây dựng tăng do yếu tố đầu vào tăng. Tuy nhiên, giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doanh thép xây dựng thấp. Giá cát xây dựng có xu hướng tăng nhẹ với mức tăng bình quân 1,51% hàng tháng do nhu cầu xây dựng. Các tỉnh phía Nam có xu hướng tăng với tỷ lệ mạnh hơn bình quân 3,4% hàng tháng. Nguyên nhân là do nguồn khai thác và nhu cầu sử dụng tại các tỉnh phía Nam lớn hơn so với khu vực miền Bắc và miền Trung nên so sánh tương quan giá cát bình quân tại khu vực miền Nam thường cao hơn các tỉnh miền Bắc và miền Trung từ 1,3 đến 1,5 lần. Tính chung trong 3 tháng đầu năm, giá cát xây dựng tăng 2,5% so với cuối năm 2022. Giá nhựa đường cũng chỉ tăng khoảng 1% so với quý IV/2022 và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đá xây dựng cũng tăng khoảng 2,7% so với quý IV/2022 do nhu cầu sử dụng cho các công trình giao thông đang thi công trên cả nước tăng. Còn giá xi măng tương đối ổn định do nguồn cung hiện vượt xa so với nhu cầu trong nước nhưng vẫn tiếp tục được bổ sung trong năm 2023, đưa mức dư cung càng được nới rộng thêm.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng giá các vật liệu xây dựng trong thời gian tới có xu hướng tăng

Giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có xu hướng tăng trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán, sang tháng 2, tháng 3 giá cả ổn định trở lại do nguồn cung dồi dào, nhất là mặt hàng thịt lợn do dịch bệnh đã được kiểm soát, trong tháng 3 giá lợn hơi dao động khoảng 47.000 – 51.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg so với tháng 2/2023.

Cũng trong quý I, những dịch vụ như giáo dục (học phí), giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế… nói chung những mặt hàng do Nhà nước định giá chưa có sự điều chỉnh trong 3 tháng đầu năm 2023.

Những áp lực điều hành giá trong thời gian tới

Dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn tác động tới giá các nguyên vật liệu đầu vào, mặt bằng giá chung, cung cầu hàng hóa trong nước và xuất khẩu; sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn còn có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, từ đó tạo ra những áp lực trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm. Những khó khăn này có khả năng đến từ giá năng lượng và các vật tư chiến lược do tác động từ diễn biến xung đột chính trị - quân sự Nga – Ukraina và sự phân cực trong quan hệ giữa các nước lớn có xu hướng gia tăng trở lại cùng tác động từ sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như: Giá dịch vụ giáo dục khi kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí dự kiến sẽ tăng trong năm học mới 2023-2024 theo lộ trình Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021; Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Giá bán lẻ điện bình quân có thể được xem xét điều chỉnh căn cứ theo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ; Giá sách giáo khoa: theo Bộ GD&ĐT, thực hiện lộ trình triển khai SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2023-2024 sẽ áp dụng bộ SGK mới lớp 4, lớp 8, lớp 11, dự kiến Quý II/2023 sẽ được cung ứng ra thị trường với mức giá dự kiến có thể có biến động so với bộ sách giáo khoa hiện hành; Giá dịch vụ vận chuyển hàng không: Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành.

 

Đại diện Bộ GTVT cho biết dự kiến điều chỉnh khunggiá dịch vụ vận chuyển
hàng không tăng khoảng 3,75% so với khung giá hiện hành.

Ngoài ra, giá một số vật liệu xây dựng có xu hướng tăng do vào mùa xây dựng hoặc do chi phí đầu vào tăng, giá lợn hơi giảm thấp ảnh hưởng đến khả năng tái đàn; Rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Trong tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tổng thể các giải pháp trong quý II và thời gian còn lại của năm 2023 để thực hiện việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, trong đó có các giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật về giá, các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, các chính sách về tài khóa, tiền tệ, quản lý, điều hành, bình ổn giá kết hợp với các giải pháp kinh tế vĩ mô khác cũng như cập nhật các kịch bản lạm phát làm làm cơ sở điều hành giá đảm bảo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp

Trước đề xuất của các Bộ, ngành trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá họp đánh giá về công tác điều hành giá quý I/2023, ngày 10/4, tại Thông báo số 118/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định. Hai Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83 ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03.

Bộ Xây dựng được giao chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương theo dõi sát tình hình giá cả, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, chủ động có giải pháp bảo đảm nguồn cung với mức giá hợp lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Đối với các mặt hàng điện, dịch vụ hàng không, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục và các mặt hàng xem xét điều chỉnh giá, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật….

Các Bộ, ngành phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá để chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Cũng tại Thông báo này, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong quý II và các tháng còn lại của năm nay, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ đặt ra.

Trong đó, chính sách tiền tệ cần được điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Các bộ ngành có công cụ, chính sách, giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm giữ ổn định giá trị đồng tiền, không làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện chính sách tiền tệ của các nước thay đổi nhanh, tác động đến tỷ giá; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra...

Các Bộ, ngành nêu trên theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới, tác động đến Việt Nam; chủ động phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới để có chỉ đạo phù hợp, kịp thời trong sản xuất, kinh doanh, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân…

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện quản lý Nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá khi hàng hóa có biến động bất thường./.

Trích nguồn

Kim Chung

14/04/2023
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368