024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Một số điểm mới đáng chú ý tại Luật Giá sửa đổi

 

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật Giá sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Đây là một dự án luật quan trọng, có ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Tại Luật Giá sửa đổi, có một số điểm mới cần lưu ý.

Luật Giá (sửa đổi) với nhiều điểm mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Việc xây dựng dự án Luật Giá sửa đổi nhằm tạo lập môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực giá, đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý giá, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.

Luật Giá sửa đổi đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, khuyến khích cạnh tranh về giá.

Đồng thời, lần sửa đổi này của Luật Giá cũng kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn; sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở đó, so với quy định trước, có một số điểm mới cần lưu ý tại Luật Giá (sửa đổi) như sau:

Thứ nhất, nhằm khắc phục cơ bản tồn tại, hạn chế giữa Luật Giá với các Luật chuyên ngành, tại Luật sửa đổi đã bổ sung tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các Luật khác có liên quan. Trong đó, về cơ bản Luật Giá sẽ điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá. Chỉ trừ một số trường hợp rất đặc thù đã có luật riêng điều chỉnh toàn diện thì mới thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá, trên cơ sở cụ thể hóa nội dung chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp, tại Luật đã bổ sung chương 3 quy định chi tiết, cụ thể các nội dung quản lý nhà nước về giá, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thứ hai, về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí hiện hành, đã bổ sung thêm tiêu chí "Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh” để phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng hiện đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhập tại Luật Giá sửa đổi.

Trên cơ sở đó, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã được cập nhật tại Luật Giá với các Luật chuyên ngành để quy định đồng bộ tại Luật hiện hành. Điểm khác so với Luật hiện hành là tại Luật sửa đổi sẽ ban hành kèm theo Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gắn với thẩm quyền và hình thức định giá được quy định cụ thể, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Thứ ba, về thẩm quyền và trách nhiệm định giá, ban hành phương pháp định giá đã bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về giá nói chung cũng như định giá nhà nước nói riêng. Theo đó, tại Luật đã bỏ cấp định giá là Chính phủ; Như vậy, vai trò của Chính phủ sẽ chỉ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản dưới Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ cụ thể sẽ cơ bản được giao cho cấp Bộ theo lĩnh vực quản lý hàng hóa, dịch vụ và cấp Ủy ban nhân dân tỉnh theo phạm vi địa bàn quản lý; việc phân như vậy là phù hợp với công tác tổ chức thực hiện trong thực tiễn, phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương để thuận lợi triển khai, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm.

Về phương pháp định giá, đã quy định hai nhóm phương pháp ứng với từng trường hợp cụ thể.

Thứ tư, về biện pháp bình ổn giá, về cơ bản tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành khi quy định chi tiết Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại Luật và trường hợp có điều chỉnh sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Riêng đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá đã bổ sung mặt hàng thức ăn chăn nuôi và đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng điện, muối ăn và đường ăn.

Trường hợp phát sinh tình huống đặc biệt thì khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyển công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục trong thời hạn nhất định. Quy định này nhằm tạo sự linh hoạt cho việc triển khai bình ổn giá trong các tình trạng cấp bách, cần triển khai gấp, kịp thời để khắc phục được những hạn chế trong thời gian qua.

Cùng với đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để quy định rõ hơn về các biện pháp bình ổn giá, quy trình triển khai đảm bảo thuận lợi, phù hợp với thực tiễn. Khi dấu hiệu nhận diện hàng hóa, dịch vụ có biến động tăng quá cao hoặc giảm quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong các trường hợp công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai thì Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá.

Thứ năm, về biện pháp hiệp thương giá, điểm mới căn bản nhất là việc quy định rõ phạm vi hiệp thương giá chỉ thực hiện giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp với vai trò trọng tài của Nhà nước. Việc quy định như trên thể hiện rõ tính chất của biện pháp hiệp thương giá hướng đến đề cao việc thỏa thuận giữa các bên, trong đó có vai trò trung gian của cơ quan tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu hài hòa lợi ích, đảm bảo giao dịch được diễn ra minh bạch, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Mặt khác, cũng quy định rõ phạm vi áp dụng giá hiệp thương nhằm tránh các trường hợp lợi dụng mức giá hiệp thương để sử dụng cho các mục đích khác, không đúng với yêu cầu hiệp thương và vụ việc mua bán.

Thứ sáu, về biện pháp kê khai giá là biện pháp tiếp nhận thông tin để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến giá cả thị trường, phục vụ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết cũng như là một trong các nguồn thông tin phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá; thông tin giá kê khai sẽ được cập nhập trên cơ sở dữ liệu về giá.

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, tại Luật Giá sửa đổi cũng đã quy định việc kê khai được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện sau khi quyết định giá nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn triển khai tại đơn vị thay cho quy định hiện hành là việc kê khai phải được thực hiện trước khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quyết định giá. Đây là một trong những thay đổi căn bản trong biện pháp kê khai giá nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện kê khai.

Thứ bảy, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường đã được thể chế hóa cụ thể tại 1 chương của Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ; bên cạnh đó cũng Luật hóa những quy định về Cơ sở dữ liệu về giá để tăng cường cơ sở pháp lý cho việc triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá tại Bộ Tài chính đảm bảo kết nối với các bộ, ngành, địa phương, phục vụ tốt cho yêu cầu công tác quản lý nhà nước về giá và nhu cầu xã hội.

Đồng bộ với đó là Chương VII quy định về công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá với các quy định về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá. Qua đó, tăng cường cơ sở pháp lý cho khâu giám sát, hậu kiểm việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong tuân thủ quy định của pháp luật về giá.

Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại Luật gồm 9 hàng hóa, dịch vụ: (1) Xăng, dầu thành phẩm; (2) Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); (3) Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; (4) Thóc tẻ, gạo tẻ; (5) Phân đạm; phân DAP; phân NPK; (6) Thức ăn chăn nuôi; (7) Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; (8) Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; (9)  Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trích nguồn

Bảo Thương - Tap chí Tài chính Online

28/06/2023
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368