024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Thích ứng thông lệ quốc tế, phù hợp bối cảnh Việt Nam

 

Bộ Tài chính đang dự thảo xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Góp ý vào dự thảo dự án luật, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ đề cương dự thảo luật. Đồng thời, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị, việc xây dựng luật cần phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh Việt Nam.

Đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ môi trường

Mới đây, Bộ Tài chính đã có dự thảo tờ trình báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Tờ trình nêu rõ, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.

Luật Thuế TTĐB đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng; điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; góp phần bảo vệ môi trường và góp phần ổn định nguồn thu cho NSNN.

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Việc điều tiết đối với một số hàng hoá xa xỉ còn thấp, chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng và điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.

Ngoài ra, yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ cộng đồng, trẻ em.

Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ cộng đồng, trẻ em. Ảnh: TL

Riêng với mặt hàng rượu, bia, Luật Thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: đối với rượu từ 20 độ trở lên áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1/1/2016; 60% từ ngày 1/1/2017 và 65% từ ngày 1/1/2018. Đối với rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1/1/2016 và 35% từ ngày 1/1/2018. Riêng với mặt hàng bia, từ ngày 1/1/2016 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1/1/2017 tăng lên 60%; từ ngày 1/1/2018 tăng lên 65%.

Đề xuất tăng thuế theo lộ trình

Bộ Tài chính cho biết, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, xu hướng chung về cải cách thuế TTĐB ở nhiều quốc gia hiện nay là mở rộng cơ sở tính thuế nhằm hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe hoặc nhà nước cần có sự điều tiết về tiêu dùng, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Trong nghiên cứu điều chỉnh lần này, một trong những phương án được Bộ Tài chính đề xuất là tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia để tăng giá bán. Cùng với việc điều chỉnh mức thuế suất, theo định hướng, Luật Thuế TTĐB sửa đổi sẽ bổ sung quy định về cơ sở tính thuế đối với phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp.

Cụ thể, có 3 giải pháp chính sách thuế với mặt hàng rượu bia được Bộ Tài chính nghiên cứu. Trong đó: Giải pháp 1 là giữ như quy định hiện hành. Giải pháp 2 là tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10%, theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát. Giải pháp 3 là áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp đối với bia (thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối) tăng mức thuế suất thuế tỷ lệ đối với bia để tăng giá bán ít nhất 10% theo khuyến nghị của WHO và bổ sung áp thuế tuyệt đối đối với bia.

Lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát; tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu để tăng giá bán rượu ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát.

Đánh giá về tác động của các phương án, Bộ Tài chính cho biết, giải pháp 1 có tác động tích cực là không phát sinh chi phí sửa đổi chính sách. Tác động tiêu cực là không đạt các mục tiêu bảo vệ sức khoẻ nhân dân, nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

Còn đối với giải pháp 2, sẽ giúp tăng thuế suất TTĐB đối với rượu, bia, làm tăng thu NSNN với giả định giá bán, doanh thu không đổi. Ước tính số thu thuế TTĐB từ rượu, bia sẽ tăng thêm khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tác động tiêu cực là việc điều chỉnh tăng mức thuế TTĐB đối với rượu, bia sẽ ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này do tác động giảm tiêu thụ.

Đối với giải pháp 3, nếu áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp (kết hợp tỷ lệ và tuyệt đối) đối với sản phẩm có giá trị thuế TTĐB càng cao thì tỷ lệ thuế/giá bán tính thuế càng thấp và ngược lại. Do vậy, hàng có giá tính thuế thấp (hàng hoá sản xuất trong nước) sẽ bị điều tiết thuế cao hơn so với hàng có giá tính thuế cao (hàng hoá nhập khẩu). Hàng hoá sản xuất trong nước có giá thành thấp/thấp hơn nhiều rượu, bia nhập khẩu giá cao sẽ giảm sức cạnh tranh so với hàng hoá nhập khẩu.

Theo đó, Bộ Tài chính nhận định, trong bối cảnh chất lượng và giá bản các loại đồ uống có cồn của Việt Nam có sự khác biệt lớn, phương thức đánh thuế tuyệt đối, hỗn hợp với đồ uống có cồn là chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay của Việt Nam và kiến nghị lựa chọn phương án 2 là "Tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát" trong dự thảo luật.

Phù hợp với thông lệ quốc tế

Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, nhiều chuyên gia đều có chung quan điểm, việc xây dựng luật cần phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh Việt Nam.

Thống kê cho thấy, từ khi đất nước hội nhập và đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện, du lịch phát triển, ngành sản xuất bia rượu (đồ uống có cồn) đã có những bước phát triển mạnh. Ước tính 80% thị phần tiêu thụ là các loại bia phổ thông và bia địa phương. Ngoài việc đóng góp cho ngân sách địa phương, các nhà máy bia còn giải quyết việc làm cho khoảng 79.000 lao động giai đoạn 2010 - 2020. Đi cùng với đó là hệ sinh thái trong lĩnh vực nông nghiệp, kho vận, cơ khí, sinh hoá, bao bì, dịch vụ…

 

Tăng thuế TTĐB để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ảnh: TL

Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, các tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới (xung đột Nga -Ukraina), tác động bất lợi từ một số cơ chế chính sách liên quan đến ngành (Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP), hiện nay ngành đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn.

Theo đó, sản lượng sản xuất và tiêu thụ ngành này có xu hướng giảm về lượng tiêu thụ lần lượt -6% và -8% so với năm trước đó giai đoạn 2020 - 2021. Do vậy, một số ý kiến cho rằng, các chính sách liên quan đến ngành hàng này cũng cần có đánh giá kỹ trước khi có sự điều chỉnh, trong đó bao gồm cả sự thay đổi về chính sách thuế.

Riêng về phương pháp tính thuế, việc lựa chọn phương pháp tính thuế phù hợp thông lệ quốc tế là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phù hợp với bối cảnh Việt Nam, đảm bảo phù hợp điều kiện kinh tế xã hội, vừa giúp ổn định thu ngân sách nhưng vẫn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển./.

Trích nguồn

Văn Tấn - Thời báo Tài chính Việt nam

04/07/2023
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368