Đây là vấn đề PGS.TS Doãn Hồng Nhung đặt ra khi bàn đến các quy định xung quanh vấn đề thu hồi đất và chính sách hỗ trợ để đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện thu hồi đất không rơi vào đói nghèo, tệ nạn xã hội.
Chia sẻ với Reatimes, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, các quy định về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (lấy ý kiến Nhân dân lần 2) còn chưa đầy đủ, ít nội dung quy định cụ thể, một số nội dung còn chưa thống nhất. Trong đó, quan trọng là có cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm đảm bảo được quyền lợi của đồng bào.
Xử lý thế nào khi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số mất đất do vay nợ, thế chấp đất?
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Dự thảo Luật Đất đai hiện vẫn chưa thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong các điều luật chưa thể hiện được nguyên tắc nêu tại Điều 17 là “…có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế”, do đó cần tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung.
Trong đó, có vấn đề quyền của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc góp vốn, thế chấp vay mượn tại ngân hàng. Theo quy định về Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư sử dụng đất tại Điều 42, Dự thảo Luật quy định cộng đồng dân cư không được chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
"Tuy nhiên, thực tế rất nhiều đồng bào mất đất do vay nợ, thế chấp đất. Vì thế, pháp luật cần mở rộng hơn quyền của cộng đồng dân cư trong việc góp vốn và thế chấp tại ngân hàng để có thể đầu tư vào sản xuất, khai thác đất một cách hiệu quả nhất. Còn để quản lý, cần quy định chặt chẽ, nghiêm minh để đất được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả và không bị chiếm dụng, chuyển quyền sử dụng trái pháp luật", PGS.TS Nguyễn Hồng Nhung nhìn nhận.
PGS.TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Reatimes)
Bên cạnh đó, PGS.TS Doãn Hồng Nhung đề xuất Dự thảo Luật Đất đai cần tiếp tục xem xét nhiều vấn đề khi thu hồi đất:
Trước hết, Điều 17 Dự thảo Luật Đất đai cần quy định rõ các chính sách ưu tiên áp dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và thể hiện rõ các chính sách này tại các điều khoản khác trong dự thảo. Đồng thời, phải quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương về việc ban hành chính sách đất đai đối với đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số cũng như quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Để việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW “…giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;…”, thì cần xem xét, quy định bổ sung nhiệm vụ này vào nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ cấp tỉnh đến cấp huyện (có thể đưa vào nghị định của Chính phủ), xác định rõ: đối tượng, địa bàn, kế hoạch thực hiện 5 năm và hằng năm theo phạm vi, thẩm quyền của cấp tỉnh/huyện.
Trong đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định rõ đối với từng xã về số hộ, diện tích, loại đất, vị trí (lô, thửa); hiện trạng hạ tầng về giao thông, điện, nước…(nếu bố trí đất ở); đất rõ nguồn gốc, không có tranh chấp; phương án giao đất phải cụ thể, được sự thống nhất của cộng đồng dân cư và người dân được giao đất theo chính sách; đồng thời, chính quyền địa phương phải bố trí kinh phí và các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện.
Thứ ba, đối với các quy định về chính sách giao đất, cho thuê đất rừng. Cần làm rõ hơn hai nội dung sau: (1) Việc cho phép được sử dụng kết hợp với mục đích kết hợp trồng cây hằng năm, cây dược liệu, chăn nuôi đối với đất rừng phòng hộ, nhất là cho trồng cây hằng năm, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ thì có thể sẽ bị lợi dụng chặt tỉa cây rừng, lấn chiếm đất rừng, vi phạm pháp luật bảo vệ rừng. (2) Xử lý các bất cập giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp (Ví dụ: Khoản 1, khoản 2 Điều 35 dự thảo Luật và Điều 79 Luật Lâm nghiệp năm 2017).
Nghị quyết số 18 - NQ/TW xác định “kịp thời có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất”, “Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá..”, “Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch…”.
Do đó, có thể nghiên cứu theo hướng: Đối với những diện tích rừng phòng hộ độ che phủ thấp cần: (1) xác định ranh giới, diện tích, độ che phủ, trữ lượng rừng; (2) phương án sản xuất của người dân kèm theo các biện pháp giám sát chặt chẽ của chính quyền xã, thôn; (3) kết thúc kỳ khai thác, nếu sản xuất có hiệu quả và người dân tiếp tục có nhu cầu thì xem xét cho tiếp tục; (4) trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì bồi thường cây trồng cho người dân theo quy định (không bồi thường, hỗ trợ đất)…
Thứ tư, đối với quy định tại Điều 175 Dự thảo Luật Đất đai: Cần quy định việc tham gia ngay từ đầu của cơ quan Tài nguyên và Môi trường, UBND để cùng với các công ty nông, lâm trường rà soát hiện trạng sử dụng đất nhằm đánh giá, xác định các diện tích cần thu hồi.
Đồng thời, cần có quy định cụ thể thời gian các nông, lâm trường phải thực hiện thống kê, kiểm kê, đo đạc, khảo sát, đánh giá, phân hạng và lập bản đồ địa chính đất giao lại cho địa phương.
Để giải quyết các vướng mắc, khó khăn, ngoài các quy định như dự thảo Luật, nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần bổ sung các quy định về: (1) Tiêu chí để xác định việc sử dụng đất không hiệu quả hoặc không sử dụng đất (khi vi phạm luật) của các công ty để làm căn cứ thu hồi đất; (2) Các chính sách đối với người dân khi tham gia hoạt động cùng với các công ty cần được minh bạch, công bằng với các trường hợp thực hiện công việc tương tự. (3) các công ty thực sự ưu tiên cho các hộ thiếu đất sản xuất được nhận hợp đồng, thuê thầu sử dụng đất phù hợp với trình độ, tay nghề; đồng thời ưu tiên tiếp nhận, đào tạo, sử dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Thứ năm, đối với các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cần làm rõ nội dung chính sách “bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Theo đó, cần quan tâm đến hai vấn đề: Giá trị bồi thường về đất và chính sách hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng phải tương đương với giá trị thực hiện (vật chất và các lợi ích khác) của các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm (Điều 105); để người bị thu hồi đất là dân tộc thiểu số có sinh kế ổn đỊnh, bảo đảm thu nhập phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn.
Thứ sáu, để xác định giá đất theo giá thị trường đối với vùng nông thôn miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống), cần làm rõ một số yếu tố (có tính đặc thù) tác động đến việc thực hiện:
(1) Những tác động bất lợi của yếu tố tự nhiên, khách quan; (2) Kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; (3) Ít có giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất; (4) Một bộ phận không nhỏ đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số có ít hiểu biết về chính sách, pháp luật; (5) Các đơn vị tư vấn về giá đất còn ít, năng lực hạn chế…
Ngoài ra, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của đồng bào, phải bổ sung quy định về vấn đề trợ giúp pháp lý, yêu cầu phải có hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí như một công đoạn bắt buộc trong các giao dịch liên quan đến đất đai đối với đồng bào đân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Cần những giải pháp chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào sau khi thu hồi đất
Trước hết, PGS.TS Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh, Nhà nước cần kết hợp với chính quyền địa phương để đưa ra những giải pháp chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào, nhất là đồng bào thiếu đất sản xuất trên nguyên tắc phát huy tiềm năng tại chỗ của vùng gắn với đặc điểm của người lao động và nhu cầu thị trường địa phương.
Theo đó, cần có chính sách tạo hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động bằng việc triển khai đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề để đồng bào thiếu đất có thể làm nghề mới hoặc cách để tận dụng những nông sản của địa phương để phát triển giúp tạo thu nhập ổn định, chống đói nghèo cho đồng bào.
Đối với các dự án sử dụng nhiều đất, cần có cơ chế để chủ dự án sử dụng lao động là đồng bào đân tộc thiểu số tại chỗ và trích kinh phí thực hiện an sinh xã hội.
Thứ hai, đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng suy thoái môi trường đất và tài nguyên đất, suy thoái chất lượng rừng và suy giảm đa dạng sinh học. Cần hướng dẫn bà con kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật mới với tri thức địa phương; đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng theo Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Thứ ba, hạn chế mở đường giao thông đi qua các khu bảo tồn. Đồng thời, nâng cao vai trò, ý thức và trách nhiệm của cảnh sát môi trường. chính sách, pháp luật về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học cho đồng bào.
Một vấn đề khác, không kém phần quan trọng nhằm cân bằng giữa việc đảm bảo điều kiện sống cho đồng bào, song song với việc bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, đó là cần hướng dẫn, nâng cao ý thức của đồng bào để vừa bảo tồn các giá trị truyền thống gắn với đất, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng. Chính sách đất đai đối với vùng biển, vùng trời, biên giới quốc gia phải vừa bảo đảm điều kiện cho đồng bào đang sinh sống nhưng cũng phải tạo điều kiện bảo vệ nơi sống cho động thực vật rừng quý hiếm duy trì tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Như vậy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với phong tục tập quán truyền thống của đồng bào, đảm bảo không gian, điều kiện sống để phát triển hài hòa đối với động - thực vật rừng quý hiếm và cả đối với đồng bào sống ở trong khu vực đó.
"Sự phù hợp là để vừa bảo tồn đa dạng sinh học, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống, đồng bào vừa có thể canh tác để đảm bảo cuộc sống mưu sinh, tránh cho việc đồng bào đân tộc thiểu số rơi vào vòng xoáy của sự đói nghèo, hậu quả gây ra các tệ nạn xã hội khác...", PGS.TS Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh.
Trích nguồn - Reatimes