024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Nâng cao hiệu quả sử dụng chuyên gia trong hoạt động kiểm toán.

 

Trong hoạt động kiểm toán, việc sử dụng chuyên gia để giúp thu thập các bằng chứng kiểm toán thích hợp là xu thế được các tổ chức kiểm toán tối cao trên thế giới thực hiện, KTNN Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, sử dụng ý kiến chuyên gia thế nào để nâng cao hiệu quả kiểm toán, trách nhiệm của chuyên gia trong hoạt động kiểm toán đến đâu… là những vấn đề được nhiều đơn vị lưu ý.

 

Nhiều cuộc kiểm toán với sự tham gia của chuyên gia đã giúp cho chất lượng kiểm toán được nâng lên rõ rệt. Ảnh tư liệu

Chuyên gia giúp thu thập bằng chứng kiểm toán

Nhiều văn bản của KTNN đã đề cập tương đối chi tiết đối với vấn đề sử dụng chuyên gia để giúp thu thập bằng chứng kiểm toán, trong đó nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn, quy trình thực hiện cũng như những yêu cầu đặt ra đối với các chuyên gia. 

Theo đó, các đối tượng chuyên gia được KTNN sử dụng ý kiến bao gồm chuyên gia của KTNN và chuyên gia của đơn vị được kiểm toán. Trường hợp thuê chuyên gia phải thực hiện theo Quy chế về sử dụng cộng tác viên kiểm toán của KTNN và theo các Chuẩn mực KTNN 1620 - Sử dụng công việc của chuyên gia trong kiểm toán tài chính, Chuẩn mực 1500 - Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính. Hoạt động này cũng được thể hiện rõ trong Quy trình kiểm toán của KTNN ban hành theo Quyết định số 02/2020/QĐ-KTNN ngày 16/10/2020 và Quy chế tổ chức hoạt động của Đoàn KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 03/2020/QĐ-KTNN ngày 19/10/2020. 

Đại diện Vụ Tổng hợp nhấn mạnh, trong trường hợp Kiểm toán viên (KTV) không đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn trong một lĩnh vực riêng biệt, cần thiết phải sử dụng chuyên gia để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Một số lĩnh vực phổ biến có sử dụng chuyên gia trong hoạt động kiểm toán của KTNN thời gian qua là: Việc định giá các công cụ tài chính phức tạp, đất đai, nhà cửa, nhà xưởng và máy móc thiết bị; những tính toán thống kê về các khoản công nợ liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm và chính sách phúc lợi của nhân viên; ước tính về trữ lượng dầu và khí; việc đánh giá các khoản nợ liên quan đến bảo vệ môi trường và chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng... 

Thực tế cho thấy, nhiều cuộc kiểm toán với sự tham gia của chuyên gia đã giúp cho chất lượng kiểm toán được nâng lên rõ rệt. Bởi trong quá trình tham gia, các chuyên gia sẽ trợ giúp KTV tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị được kiểm toán, trong đó có kiểm soát nội bộ; xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu; xác định và thực hiện các biện pháp xử lý tổng thể đối với các rủi ro được đánh giá ở cấp độ báo cáo tài chính hoặc thông tin tài chính, thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo đối với các rủi ro được đánh giá ở cấp độ cơ sở dẫn liệu; đánh giá tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán đã thu thập để hình thành ý kiến kiểm toán... 

Theo chia sẻ của một KTV (KTNN khu vực V), việc sử dụng chuyên gia trong hoạt động kiểm toán đang được các cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện và là xu thế của thế giới. Tại Việt Nam, các lĩnh vực kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng rất cần có ý kiến của chuyên gia. Bởi đây là lĩnh vực đang ứng dụng nhiều công nghệ, thiết bị mới mà trong nước chưa phổ biến nên rất khó để phân tích, thu thập bằng chứng. 

Một số lưu ý khi sử dụng ý kiến chuyên gia

Có thể khẳng định, trước những đổi mới về phương thức tổ chức, vận hành của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, hoạt động kiểm toán của KTNN vì thế cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp, đảm bảo thích ứng với môi trường kiểm toán mới. Theo đó, bên cạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ của đội ngũ KTV, KTNN cần tăng cường sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực chuyên gia.

Theo Quy chế tổ chức hoạt động của đoàn KTNN, thẩm quyền mời chuyên gia thuộc về KTV, do đó, ngoài việc thận trọng khi đánh giá tính cần thiết sử dụng chuyên gia, KTV còn phải đánh giá năng lực, khả năng và tính khách quan của chuyên gia cho mục đích kiểm toán. Trong trường hợp chuyên gia là thành viên của đoàn kiểm toán thì phải tuân theo các quy định hiện hành của KTNN, còn nếu chuyên gia không là thành viên đoàn kiểm toán, thì thực hiện theo các điều khoản hợp đồng giữa KTNN với chuyên gia.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị kiểm toán lưu ý, KTV cần đánh giá kỹ lưỡng việc có sử dụng công việc của chuyên gia hay không; đồng thời xác định rõ bản chất, tầm quan trọng và độ phức tạp của vấn đề, rủi ro có sai sót trọng yếu liên quan đến vấn đề cần được chuyên gia tư vấn... Đây cũng chính là những yêu cầu được đặt ra và lưu ý trong Chuẩn mực KTNN 1620.

Trường hợp đoàn kiểm toán sử dụng ý kiến chuyên gia của đơn vị được kiểm toán thì cần cân nhắc các yếu tố như chuyên gia là nhân viên của đơn vị hay được thuê từ ngoài; mức độ kiểm soát và ảnh hưởng của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán đối với công việc của chuyên gia; năng lực và khả năng của chuyên gia; việc tuân thủ các chuẩn mực về kỹ thuật hay yêu cầu nghề nghiệp của chuyên gia... 

Theo đại diện Vụ Tổng hợp, để tìm kiếm, lựa chọn được chuyên gia có năng lực chuyên môn và đảm bảo tính độc lập với đơn vị được kiểm toán vẫn còn khó khăn. Nhiều vấn đề có tính chuyên sâu nhưng chưa có các tài liệu quy định, hướng dẫn cụ thể nên việc dựa vào ý kiến chuyên gia dẫn đến ý kiến, kết luận của KTNN không đạt được sự đồng thuận cao của đơn vị, trong khi KTNN phải chịu trách nhiệm khi sử dụng ý kiến chuyên gia. Cụ thể, theo quy định của KTNN, khi phát hành báo cáo kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần, KTV không được đề cập đến công việc của chuyên gia trừ khi có yêu cầu của pháp luật. Nếu yêu cầu phải dẫn chứng công việc của chuyên gia trong báo cáo kiểm toán thì KTV phải nêu rõ trong báo cáo kiểm toán là việc dẫn chứng này không làm giảm trách nhiệm của KTV đối với ý kiến kiểm toán… 

Do đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng chuyên gia trong hoạt động kiểm toán, các đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán, đặc biệt là KTV cần phải thận trọng xem xét mức độ cần thiết phải sử dụng chuyên gia.

Trích nguồn

NGUYỄN LỘC

26/11/2020
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368