024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Sửa đổi Nghị định 01: Thêm nguồn lực cơ cấu lại tổ chức tín dụng

 

Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD

Sửa đổi Nghị định 01: Thêm nguồn lực cơ cấu lại tổ chức tín dụng (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Sửa đổi Nghị định 01 phù hợp với thực tiễn, thêm nguồn lực cơ cấu lại tổ chức tín dụng

Đánh giá sự cần thiết sửa đổi Nghị định 01, NHNN cho biết, ở góc độ pháp lý, Nghị định số 01 được xây dựng căn cứ Luật NHNN Việt Nam năm 2010; Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010; Luật Doanh nghiệp năm 2005; Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010. Tuy nhiên, những văn bản này đã được thay thế, sửa đổi, bổ sung, do vậy cần rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung một số điều của Nghị định 01 cho phù hợp, đồng bộ với các quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần Việt Nam được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan (Luật Đầu tư năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019…)

Tại Điều 151e Luật các Tổ chức tín dụng đã được sửa đổi bổ sung (điểm 1đ khoản 28 Điều 1 Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng) quy định quyền của bên nhận chuyển giao bắt buộc, trong đó có quyền “được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt” (điểm đ khoản 1). Nghị định 01 chưa hướng dẫn quy định quyền của bên nhận chuyển giao bắt buộc “được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt”.

Còn xét ở góc độ thực tiễn, bên cạnh thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời để thực hiện tốt “Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định 689/QĐ-TTG ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc cần có đồng bộ các giải pháp, trong đó có giải pháp tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành của tổ chức tín dụng.

Một trong những giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng Việt Nam đó là khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tổ chức tín dụng Việt Nam, tuy nhiên phải đảm bảo hài hòa, không ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, đảm bảo an ninh tiền tệ - ngân hàng.

Quan điểm xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định phải đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật liên quan, các cam kết quốc tế, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, đổi mới công nghệ… (khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng), góp phần phát triển hệ thống tổ chức tín dụng lành mạnh, đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ quốc gia. Trong quá trình xây dựng Nghị định, NHNN đã thực hiện đúng quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng Việt Nam nâng cao năng lực tài chính, phát triển lành mạnh

Một trong những nội dung trong Dự thảo Nghị định là Bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7: “6a. Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định tại khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc”.

Việc bổ sung quy định trên, theo lý giải của NHNN tại điểm đ khoản 1 Điều 151e Luật các Tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định quyền của bên nhận chuyển giao “được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt”. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao tăng cường được năng lực tài chính (khi thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài, tăng vốn chủ sở hữu), nâng cao năng lực quản trị điều hành, đổi mới công nghệ.., tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho tổ chức tín dụng được chuyển giao, góp phần thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội.

Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém; trong đó có 2 ngân hàng thương mại cổ phần nhận chuyển giao tại Phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.

Với phương án điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao sẽ có 2 ngân hàng thương mại cổ phần (chiếm 3,13% tổng số ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam; 6,59% tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam; chiếm 5,26% thị phần huy động và 5,49% thị phần cho vay đối với thị trường 1 (các tổ chức kinh tế và dân cư) của toàn hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam tại thời điểm 30/6/2022).

Việc chấp thuận cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhận chuyển giao tăng vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ và không vượt quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng theo đánh giá cua NHNN sẽ ảnh hưởng không quá lớn đối với toàn bộ hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Từ các lý do nêu trên, NHNN thấy rằng việc cho phép tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao từ 30% lên 49% sẽ góp phần, tạo điều kiện thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội, không ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ - ngân hàng…

Còn đối với tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại cổ phần, NHNN cho rằng hiện nay chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao, chưa nên mở rộng ra tất cả các tổ chức tín dụng. Theo NHNN, Nghị định 01 quy định về tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay vẫn đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đối với tổ chức tín dụng nhận chuyển giao sẽ được tăng tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên tới 49% theo giải pháp để xuất tại điểm 1 nêu trên. Đối với tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn đã được quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị định 01: “Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 7 của Nghị định 01 đối với từng trường hợp cụ thể”.

Còn đối với ngân hàng thương mại cổ phần khác, chưa nên điều chỉnh tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt giới hạn 30% vốn điều lệ vì theo kế hoạch sẽ có 4 ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc. Điều đó có nghĩa trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định ít nhất là 4 ngân hàng thương mại có tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại vượt 30% vốn điều lệ (là tổ chức tín dụng yếu kém). Ngoài ra, với việc điều chỉnh tại điểm 1 nêu trên, có thể có 2 ngân hàng thương mại cổ phần nhận chuyển giao được điều chỉnh tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, sẽ có ít nhất là 6 ngân hàng thương mại có thể tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ chiếm tương đương 17,14% số ngân hàng thương mại. Hiện nay còn có 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Qua số liệu này có thể thấy, Việt Nam mở cửa lĩnh vực tiền tệ ngân hàng khá sâu rộng và có sự hiện diện thương mại tương đối nhiều của tổ chức tín dụng nước ngoài tại thị trường Việt Nam...

Hơn nữa, thực tế, khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hiện tượng một số ngân hàng nước ngoài (chủ yếu từ châu Âu) dần dần rút vốn đầu tư ra khỏi ngân hàng trong nước, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng châu Á từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. Việc nhà đầu tư nước ngoài (cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược) thoái vốn hoặc chuyển các khoản đầu tư của họ cho cổ đông khác đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể mất đi phần lợi ích từ nhóm khách hàng do nhà đầu tư nước ngoài mang lại (nhóm khách hàng có thể chuyển sang dịch vụ của những tổ chức khác có quan hệ với nhà đầu tư hoặc với tổ chức tín dụng do nhà đầu tư nước ngoài thành lập/tham gia góp vốn).

Ngoài ra, theo cơ chế Ratchet tại Hiệp định CPTPP, yêu cầu các nước thành viên không đảo ngược tiến trình tự do hóa, điều đó có nghĩa khi Việt Nam điều chỉnh tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt giới hạn 30% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần, nếu cần thiết Việt Nam không thể điều chỉnh giảm trở lại.

Trích nguồn

Nguyễn Vũ

29/03/2023
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368