024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Tăng cường giám sát nhằm khai thác các lợi thế của FTA.

 

Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết FTA theo lộ trình đã cam kết, việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp và người dân...

Kết quả chưa như kỳ vọng

Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm Trưởng đoàn giám sát vừa gửi Quốc hội cho thấy, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm 1 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018; Hiệp định EVFTA có hiệu lực đối với Việt Nam từ 1/8/2020 không thuộc phạm vi giám sát của chuyên đề này.

 

tang cuong giam sat nham khai thac cac loi the cua fta

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh sau khi Việt Nam tham gia các FTA

Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Cụ thể, về thương mại hàng hóa. Kể từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng bình quân xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác thương mại FTA đều đạt mức 2 con số, trong đó, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ là 4 đối tác có tốc độ tăng trị giá xuất nhập khẩu trung bình năm cao hơn 20%.

Về thương mại dịch vụ, tổng giá trị xuất nhập khẩu dịch vụ tăng 10,8%/năm trong giai đoạn 2005 - 2019. Trong đó, dịch vụ vận tải và du lịch là 2 ngành đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ, đồng thời chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất, nhập khẩu dịch vụ của cả nước.

Còn về đầu tư, Đoàn giám sát cho biết, đến hết năm 2019, vốn đăng ký lũy kế các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực của nước ta là 362,58 tỷ USD, vốn thực hiện là 211,78 tỷ USD, bằng 58,4% vốn đăng ký. Hàn Quốc dẫn đầu với 67,7 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn FDI đăng ký, Nhật Bản đứng thứ 2 với 59,3 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn FDI đăng ký. Vốn FDI đăng ký vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 214,17 tỷ USD, chiếm 59,1% vốn FDI đăng ký của cả nước. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm chưa đến 1% tổng vốn FDI đăng ký đến cuối năm 2019. Hầu hết các dự án FDI mới tập trung tại một số địa phương có lợi thế về vùng nguyên liệu truyền thống, có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến. Vốn FDI bình quân 1 dự án trong ngành nông nghiệp là rất thấp, chỉ 7,06 triệu USD/dự án.

Giám sát để khai thác lợi thế FTA

Đoàn giám sát cũng cho biết, Việt Nam bắt đầu ký kết Hiệp định FTA đầu tiên với các nước ASEAN và có hiệu lực từ năm 1995, nhưng đến năm 2003, khi Việt Nam ký kết Hiệp định FTA với Trung Quốc dưới tư cách thành viên nhóm ASEAN, tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam mới có sự chuyển biến rõ rệt. Tổng xuất nhập khẩu năm 2003 đạt 45,4 tỷ USD. Sau đó, Việt Nam tiếp tục ký kết thêm 12 FTA cả với tư cách là thành viên ASEAN và tư cách là một bên độc lập, quy mô xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng và đạt 517,3 tỷ USD năm 2019, tăng hơn 11 lần so với năm 2003. Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN, Nhật Bản trở thành các đối tác chính của Việt Nam.

Với cán cân thanh toán quốc tế, sau khi ký kết các hiệp định FTA, mặc dù quy mô thương mại được mở rộng nhưng Việt Nam lại liên tục nhập siêu ngày càng tăng trong giai đoạn 2004 - 2008, năm 2008 cán cân thương mại thâm hụt đến 18 tỷ USD. Tuy nhiên từ năm 2011 đến năm 2019, cán cân thanh toán tổng thể liên tục duy trì trạng thái thặng dư nhờ cán cân thương mại xuất siêu và luồng vốn đầu tư vào Việt Nam gia tăng một cách nhanh chóng, dự kiến năm 2020 cán cân thương mại xuất siêu khoảng 20 tỷ USD. Nhờ đó, cơ cấu thu ngân sách nhà nước đã thay đổi theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng từ nguồn thu nội địa, từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Đoàn giám sát, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động, công đoàn, môi trường.

Từ những kết quả đã đạt được, những thách thức đặt ra trong quá trình thực thi FTA, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quyền hạn của mình trong việc xem xét, phê chuẩn các FTA; tham gia từ công tác chuẩn bị và quá trình đàm phán ký kết các FTA, bảo đảm những FTA song phương và đa phương có nội dung quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 29 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 phải được trình Quốc hội phê chuẩn; tăng cường giám sát công tác tổ chức thực hiện, kết quả, tác động của việc thực hiện các FTA, nhằm khai thác các lợi thế của FTA mang lại, cũng như hạn chế rủi ro, đảm bảo sự thành công, hiệu quả…

Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết FTA theo lộ trình đã cam kết, việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và phát triển các thị trường theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành: để tận dụng tối đa những lợi ích từ các FTA, cần tiến hành đánh giá mức độ cạnh tranh của các ngành để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh cho những ngành có lợi thế cạnh tranh và định hướng điều chỉnh sản xuất cho các ngành, doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh…

Trích nguồn

Dương Công Chiến

27/10/2020
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368