024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Những sai sót thường gặp trong công tác kế toán tại doanh nghiệp.

 

Kế toán là một bộ phận không thể thiếu trong bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, công việc kế toán thuế luôn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, sự cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết vì phải làm việc với nhiều số liệu và hóa đơn, chứng từ kế toán..., trong khi phải nắm bắt rất nhiều các chế độ chính sách hiện hành hoặc các thay đổi trong chính sách của Nhà nước. Do vậy, trong quá trình làm việc, nhân viên kế toán thường rất dễ mắc phải những sai sót nghiệp vụ nếu như thiếu sự tập trung, cẩn trọng. Bài viết trao đổi về những sai sót thường gặp trong công tác kế toán tại doanh nghiệp, đưa ra một số khuyến nghị nhằm hạn chế tình trạng này trong thời gian tới.

 

8 sai sót thường gặp trong kế toán doanh nghiệp

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Sai sót thường gặp trong công tác kế toán

Không chỉ là công cụ cho việc nhập dữ liệu tài chính để hoàn thành nghĩa vụ thuế, cung cấp thông tin về tài chính cho nhà quản trị doanh nghiệp (DN), kế toán còn được xem là một cơ chế vô cùng hữu ích trong việc cung cấp câu trả lời về việc chiến lược của người chủ DN có tốt và hiệu quả hay không. Điều đó cho thấy, công tác kế toán tại DN vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của DN. Ở phương diện ngược lại, việc không ghi chép sổ sách kế toán hoặc không đối chiếu số liệu kinh doanh, kiểm tra các báo cáo, sổ phụ ngân hàng, tài khoản thuế hay các tài khoản tài chính khác có thể khiến báo cáo tài chính và các báo cáo khác của DN không được cập nhật, từ đó không chỉ khiến cho nhà quản trị DN khó thể ra được quyết định điều hành quản lý một cách chính xác do thiếu thông tin mà còn bị xử phạt hành chính theo các quy định hiện hành về pháp luật kế toán.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành những quy định riêng về chế độ kế toán cho DN nói chung và từng loại hình DN nói riêng (DNNVV, DN siêu nhỏ). Tuy nhiên, khảo sát chung của tác giả cho thấy, trong hoạt động thực tiễn của DN, vẫn cómột số sai sót trong công tác kếtoán mà bộ phận kế toán tại DN gặp phải, cụ thể:

- Sai sót trong hạch toán kế toán: Đây là sai sót khá phổ biến đối với người làm công tác kế toán, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Một số sai sót thường gặp trong hạch toán kế toán như: Ngay sau khi lập đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), kế toán đã không hạch toán làm giảm số dư nợ, không hạch toán đồng thời vào tài khoản phải thu phải trả, mà vẫn để số thuế này được tiếp tục khấu trừ cho kỳ sau. Ngay sau khi nhận được quyết định xử lý, xử phạt... của cơ quan thuế, DN không thực hiện hạch toán ngay vào sổ sách kế toán hiện hành, làm số dư các tài khoản thanh toán với ngân sách khác biệt với số liệu của cơ quan thuế… Ngoài ra, sự chênh lệch giữa tiền mặt trong quỹ khác với biên bản kiểm kê quỹ đã có; các phần lỗi sai trên các giấy tờ như ghi sai nhật ký về mặt thời gian, các đề mục giống nhau giữa các số sách lại không trùng khớp về số tiền... Những sai sót trên thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề kê khai thuế và quyết toán thuế về sau của DN và có thể khiến DN bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.

- Sai sót trong nộp thuế: Theo các cơ quan thuế địa phương, đây là lỗi phổ biến của nhiều DN. Chẳng hạn, kế toán ghi nhầm tên người nộp là tên cá nhân đi nộp tiền; Không nắm rõ các quy định về thời hạn nộp thuế của từng sắc thuế để chủ động nộp trước ngày hết hạn, bị cơ quan thuế nhắc nộp và bị phạt nộp chậm; Không ghi rõ tài khoản của cơ quan thuế trên giấy nộp tiền; Khi phát sinh khoản phải nộp đãkhông lập tờ khai nộp cho cơ quan thuế...

- Sai sót trong hồ sơ báo cáo quyết toán thuế: Cụ thể như: Không thiết lập đầy đủ hồ sơ về tài sản cố định, mua sắm tài sản cố định không có hoá đơn hợp lệ; Thiếu bảng đăng ký tiền lương; hạch toán chi phí tiền lương nhưng thiếu hợp đồng lao động; bảng lương không có người ký nhận; thiếu bảng kê hồ sơ quyết toán thuế…

- Sai sót trong kê khai thuế: Thông thường, nhân viên kế toán thường đối mặt với các sai sót liên quan đến kê khai thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Chẳng hạn, với kê khai thuế GTGT hàng tháng, kế toán có thể sai sót về thông tin khi kê khai thuế (Mã số thuế, tên DN, địa chỉ, hóa đơn bị sửa…); ghi chung một dòng cả doanh thu và thuế đầu ra; không đóng dấu giáp lai tờ khai GTGT hàng tháng; không hạch toán, kê khai thuế đúng thời hạn, không đúng thuế suất… Trong khi đó, đối với kê khai thuế TNCN, kếtoán viên cũng thường gặp hay quên không trừ đi các khoản nộp bảo hiểm xãhội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến tính thuế TNCN không chính xác; Quên không trừ khoản phụ cấp trả cho người lao động dẫn đến tính thuế TNCN không chính xác; Không hoàn thành đủ các loại tài liệu...

- Sai sót trong kếtoán thuế: Kế toán thuế là nhiệm vụ bắt buộc của bất kỳ DN nào, vì dù DN dù quy mô nào cũng phải có bộ phận kế toán toán thuế và thực hiện công việc kế toán thuế. Thông thường, công việc của nhân viên kế toán thuế gồm: Hàng ngày, tập hợp hết các chứng từ gốc, theo dõi sổ sách, nếu công ty mới thành lập thì nộp tờ khai thuế môn bài và nộp tiền thuế môn bài theo bậc thuế môn bài. Vào cuối tháng, kế toán thuế làm báo cáo thuế cho tất cả các loại thuế mà công ty áp dụng (GTGT, TNCN), nghĩa vụ tiền nộp thuế GTGT hàng tháng nếu công ty có số thuế phát sinh nghĩa là đầu ra – đầu vào. Hàng quý, kế toán thuế làm báo cáo thuế tháng của quý đó, báo cáo quý cho thuế: GTGT, TNDN, TNCN, báo cáo sử dụng hoá đơn... Vào cuối năm, kế toán thuế làm báo cáo tài chính, báo cáo thuế cho tháng cuối năm và báo cáo thuế TNDN quý IV, báo cáo quyết toán thuế TNCN...

- Thiếu quan tâm đến công tác lưu trữ tài liệu kế toán: Trong các loại tài liệu kế toán thì hóa đơn cần phải được quan tâm nhất. Bất kể các hoá đơn là dạng điện tử hay hoá đơn giấy, đều phải được lưu lại cẩn thận. Các hoá đơn chứng từ là rất cần thiết cho việc khắc phục bất kỳ sự thiếu sót hay nhầm lẫn nào trong ghi chép sổ sách kế toán, giúp DN có cơ sở để tính chi phí được loại trừ và giảm thuế khi đến thời gian quyết toán với cơ quan thuế. Quan trọng hơn nữa, khi cơ quan thuế kiểm tra, hoá đơn chứng từ sẽ là bằng chứng cho các con số trên báo cáo tài chính. Nếu thiếu hoá đơn chứng từ, cơ quan thuế có thể không công nhận việc khấu trừ chi phí, dẫn đến số thuế phải nộp cao hơn...

Theo các chuyên gia, những sai sót trong công tác kế toán có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của DN, gây tắc nghẽn dòng tiền, đồng thời, ảnh hưởng xấu đến uy tín của DN với các nhà cung cấp, khách hàng. Đặc biệt, theo quy định hiện hành, việc sai sót của kế toán có thể khiến DN bị xử phạt vi phạm các quy định của pháp luật về kết oán theo Nghị định số 41/2018/ NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

 

9 sai lầm về sổ sách kế toán các chủ doanh nghiệp nhỏ thường mắc ...

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Một số đề xuất

Nhằm hạn chế những sai sót trong công tác kế toán tại DN, đặc biệt tránh được những xử phạt từ cơ quan quản lý do sai sót của kế toán gây ra, DN cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, quan tâm đến công tác kế toán và coi đây là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của DN. Trên thực tế, việc quan tâm đến công tác kế toán là yêu cầu bắt buộc của các DN, không chỉ để thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước mà còn giúp DN phát triển ổn định. Chẳng hạn, công việc kế toán thuế luôn đòi hỏi một sự chính xác tuyệt đối, một sự cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết vì phải làm việc với nhiều số liệu và hóa đơn, chứng từ kế toán. Do vậy, nếu DN làm tốt báo cáo thuế, thì sẽ giúp công việc kinh doanh ổn định và báo cáo thuế sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi thực hiện đầy đủ các vấn đề về thuế rõ ràng... Hai là, hạch toán là một bộ phận rất quan trọng trong kế toán DN, song nhiều chủ DN vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của công tác này. Hạch toán cũng giống như là một phần việc cơ bản hàng ngày, mà một kế toán sẽ phải thực hiện. Nếu như mắc phải những thiếu sót trong khâu việc này sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty, do vậy, trong khâu hạch toán kế toán, kế toán cần lưu ý một số vấn đề như: Công việc hàng tháng của kế toán thuế (Phải biết sắp xếp hóa đơn mua vào - bán ra theo số thứ tự ngày, tháng, năm, ghi chú trên đầu hóa đơn và sắp xếp theo nguyên tắc nào để dễ tìm kiếm); Hạch toán lên phần mềm kế toán; Kê khai thuế phải lưu ý các trường hợp kê khai đặc biệt...

Ba là, tăng cường kiểm tra, rà soát công tác nộp thuế, kê khai thuế, báo cáo thuế từng tháng, từng quý và từng năm. Đây là công việc thường xuyên của kế toán tại DN nhưng cũng thường mắc phải nhiều sai sót nhất, do vậy, việc kiểm tra, rà soát, rút kinh nghiệm, thậm chí có thể trao đổi với các cán bộ thuế về những quy định mới để có thể cập nhật, áp dụng tránh trường hợp mất công phải làm lại nhiều lần.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các phần mềm kếtoán đểtránh sai sót. Hiện nay, công tác kế toán được hỗ trợ rất nhiều từ các phần mềm kế toán, giúp kế toán giảm được rất nhiều thời gian, công sức. Các phần mềm kế toán cũng hỗ trợ trong việc phát hiện các sai sót, bất cập trong quá trình thực hiện kế toán, do vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kế toán là xu hướng tất yếu.

Trích nguồn

ThS. Trần Thanh Thủy

Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp (Bài đã đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2020)

16/06/2020
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 3, tòa B Cao ốc Văn phòng VG Building. Số 235 Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368