024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tiền: Khách hàng chủ quan hay 'lỗ hổng' của nhà băng?

 

vay-tien-6658-1600161874.jpg

Để tránh rủi ro mất tiền, khách hàng nên mang tiền đến gửi trực tiếp tại ngân hàng, 

không nên giao dịch ở ngoài ngân hàng hoặc gửi tiền trước nhận sổ sau.

Nhiều nhân viên ngân hàng lạm dụng tín nhiệm đã huy động, vay hàng tỷ đồng, thậm chí trăm tỷ đồng rồi "ôm" tiền bỏ trốn. 

Điểm chung của những vụ việc này là một số nhân viên ngân hàng biến chất, lợi dụng vị trí công việc để chỉnh sửa thông tin tài khoản sổ tiết kiệm, làm giả giấy tờ để rút tiền của khách hàng; hoặc lợi dụng sự quen biết, tin tưởng của khách hàng để lừa đảo, làm giả sổ tiết kiệm và chiếm đoạt tiền của người gửi… 

Nhiều chiêu chiếm đoạt tiền 

Ngày 13/9, Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố 2 đối tượng Nông Trung Nam (SN 1986) cùng vợ là Nông Minh Ngọc (SN 1986, trú tại phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) đã lợi dụng công việc là cán bộ ngân hàng ở địa phương để lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng chục người ở TP Lạng Sơn và nhiều địa phương khác với hình thức huy động vốn vay lãi suất lớn.

Chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2019 đến nay, cặp vợ chồng này đã chiếm đoạt khoảng trên 150 tỷ đồng, sau đó cắt liên lạc, trốn tránh các chủ nợ.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Thương (SN 1988, nhân viên ngân hàng BIDV, chi nhánh Gia Lai) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Điều tra ban đầu xác định đối tượng Thương là nhân viên hợp đồng của Ngân hàng BIDV. Từ khoảng cuối năm 2018 đến tháng 5/2020, Thương đã vay nóng của nhiều người với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Vừa qua, Thương tuyên bố vỡ nợ. Khi bị các chủ nợ gây áp lực để đòi nợ, ngày 27/6, Thương đến cơ quan công an trình báo về việc mình đang nợ của nhiều người với số tiền hơn 173 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 13/6, Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Trọng Nguyễn (SN 1994, ngụ xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn từng là cán bộ tín dụng của một ngân hàng có chi nhánh ở huyện Càng Long. Năm 2018, Nguyễn vay mượn tiền của nhiều người rồi cho vay lại để hưởng chênh lệch và mua nhà đất. Đến tháng 7/2019, Nguyễn mất cân đối tài chính do một số người vay tiền không trả đúng hạn và tiền lãi tăng cao. Để có tiền trả nợ, với "mác" cán bộ ngân hàng, Nguyễn tiếp tục vay của nhiều người với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng bằng cách đưa ra thông tin có khách hàng cần đáo hạn ngân hàng. Đến tháng 11/2019, Nguyễn nghỉ việc...

Cảnh báo về quản lý rủi ro 

Có thể thấy, nguyên nhân phổ biến dẫn tới "vỡ" tín dụng là do người dân bị dụ dỗ gửi tiền qua nhân viên ngân hàng sẽ hưởng lãi suất cao hơn gửi trực tiếp tại nhà băng. Đối tượng lừa đảo sẽ dùng hình thức vay tiền của người sau để đập vào lãi suất của người trước hoặc một vài cá nhân, rồi "ôm" tiền bỏ trốn. Trong những trường hợp như vậy, gần như 100% người dân không lấy lại được tiền. 

Ngoài ra, một số người dân chủ quan tin rằng nhân viên ngân hàng sẽ có uy tín nên sẵn sàng đưa tiền cho đối tượng một cách dễ dàng hoặc ký khống giấy tờ vay tiền.

Bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan từ khách hàng, còn có nguyên nhân đến từ lỗ hổng quản lý của ngân hàng. Điển hình như vụ việc xảy ra tại Cà Mau: Khách hàng cầm cố sổ đỏ của gia đình vay tiền ngân hàng, trong thời gian trả nợ gốc và lãi theo định kỳ, khách hàng thường xuyên được nhân viên ngân hàng đến tại nhà thu tiền và trả giấy nộp tiền có đóng dấu ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi trả hết cả nợ cả gốc và lãi, khách hàng đến ngân hàng nhận sổ đỏ thì mới biết số tiền của mình đã bị nhân viên ngân hàng chiếm dụng.

Những vụ việc trên là cảnh báo về những rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, cùng cách phòng tránh một lần nữa được đặt ra.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, ở các ngân hàng đều có quy trình nghiệp vụ, kiểm soát hoạt động kho quỹ, kiểm toán nội bộ… Vì vậy, việc nhân viên ngân hàng lợi dụng vị trí công việc, rút tiền của khách hàng cho thấy quy trình kiểm soát chưa chặt chẽ.

Để tránh tình trạng cán bộ, nhân viên ngân hàng gian lận, các điểm giao dịch ngân hàng cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát hằng ngày thông qua hệ thống camera và giữa các bộ phận, nhất là ở khâu phát hành sổ tiết kiệm. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý tài khoản của khách hàng và xây dựng quy trình tuyển chọn nhân viên chặt chẽ hơn.

Về phía khách hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng khuyến cáo, khách hàng nên mang tiền đến gửi trực tiếp tại ngân hàng, nhận sổ hoặc chứng từ đầy đủ; không nên giao dịch ở ngoài ngân hàng hoặc gửi tiền trước nhận sổ sau...

“Hiện nay, các ngân hàng đã xây dựng hệ thống thông tin trực tuyến, khách hàng sau khi mở sổ tiết kiệm có thể kiểm tra tài khoản của mình đã có trên hệ thống ngân hàng hay chưa”, ông Hiếu nói.

Trích nguồn

Thanh Hoa

20/09/2020
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368