024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Các yếu tố tác động đến năng suất lao động theo ngành tại Việt Nam giai đoạn 2005-2021

 

Manufacturing Improvement and Factory Relocation Blog | MTG

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố tác động đến năng suất lao động theo ngành tại Việt Nam. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả mẫu, phân tích hồi quy đa biến, nguồn dữ liệu thứ cấp lấy từ Tổng cục Thống kê, gồm có 306 quan sát, kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố tác động cùng chiều đến năng suất lao động theo ngành tại Việt Nam gồm: Tiền lương, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo ngành, vốn đầu tư nước ngoài theo ngành và sự thay đổi trong tăng trưởng ngành, riêng lao động theo ngành có tác động ngược chiều đến năng suất lao động.

Đặt vấn đề

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội của nền kinh tế nước ta năm 2021 ước đạt 171,3 triệu đồng/lao động/năm (tương đương khoảng 7.398 USD/lao động/năm). Mặc dù, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã tăng đều qua các năm (năm 2021 tăng 4,71% so với năm 2020) nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực ASEAN.

Năng suất lao động của một quốc gia không phản ánh hoàn toàn chính xác mức độ và khả năng làm việc của người lao động tại quốc gia đó. Việc năng suất lao động của Singapore cao hơn Việt Nam 15 lần không có nghĩa là một người lao động Singapore làm được bằng 15 người Việt Nam. Điều này xuất phát từ thực tế đo lường năng suất lao động dựa trên giá trị sản phẩm, GDP ròng hay giá trị gia tăng tạo ra.

Theo cách tính này thì năng suất lao động tỷ lệ thuận với tổng GDP của cả nền kinh tế và tỷ lệ nghịch với tổng số giờ/người lao động trong cả nền kinh tế để tạo ra từng đó GDP. Điều này dẫn tới việc các nước có mức sống, giá cả và GDP lớn hơn thì thường có chỉ số năng suất lao động cao hơn.

Cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Năng suất thường được định nghĩa là một tỷ lệ của thước đo khối lượng đầu ra cho một biện pháp đầu vào sử dụng và được đặt trong mối liên hệ với các biến số vĩ mô khác (theo góc độ năng suất quốc gia) hoặc với các biến số vi mô trong doanh nghiệp (theo góc độ năng suất của doanh nghiệp). Năng suất bao gồm nhiều yếu tố trong đó có: năng suất vốn, năng suất lao động (OECD, 2001).

Năng suất được tiếp cận ở 2 góc độ của quốc gia và của doanh nghiệp. Ở cả 2 góc độ, năng suất nói chung được hiểu là tỷ lệ giữa kết quả đầu ra với khối lượng nguồn lực đầu vào (OECD, 2008). Vì lao động là một yếu tố đầu vào quan trọng nên năng suất lao động là một thuật ngữ hàm ý mức độ hiệu quả của việc sử dụng lao động, theo đó năng suất lao động là tỷ lệ kết quả đầu ra so với số lượng lao động đầu vào trong một khoảng thời gian cụ thể (OECD, 2002).

Thu nhập của người lao động (Papadogonas và Voulgaris, 2005). Các yếu tố vốn, năng lực của người lao động, thu nhập của người lao động, loại hình doanh nghiệp, khả năng xuất khẩu, trình độ công nghệ, đặc điểm khu vực địa lý, kinh nghiệm thị trường của doanh nghiệp, đặc điểm ngành, vốn đầu tư (Datta và ctg, 2005). Tiền lương thỏa đáng sẽ là động lực để người lao động làm việc hiệu quả và đạt năng suất lao động cao (Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh, 2008).

Giả thuyết nghiên cứu

Giả thuyết nghiên cứu được thể hiện tại Bảng 1.

Các yếu tố tác động đến năng suất lao động theo ngành tại Việt Nam giai đoạn 2005-2021 - Ảnh 1

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả mẫu

Kết quả thống kê mẫu được tổng số 306quan sát quan sát, qua đó cho thấy, năng suất lao động trung bình qua các năm đạt gần 93 triệu đồng/người/năm, độ lệch chuẩn là 1,2177, năng suất thấp nhất là 7 triệu đồng/người/năm, cao nhất là 320 triệu đồng/ người/năm. Mức lương theo ngành trung bình đạt 39 triệu đồng/người/năm, độ lệch chuẩn là 0,4683, tiền lương thấp nhất là 11 triệu đồng/người/năm, cao nhất là 189 triệu đồng/người/năm.

Lao động theo ngành mức trung bình là 658 nghìn người/ngành/năm, độ lệch chuẩn là 1,5944, lao động thấp nhất là 18 nghìn người/ngành/năm, cao nhất là 24.587 nghìn người/ngành/năm. Mức đầu tư toàn xã hội theo ngành trung bình đạt gần 304 tỷ đồng/ngành/năm, độ lệch chuẩn là 0,9342, vốn đầu tư toàn xã hội thấp nhất là 219 tỷ đồng/ngành/năm, cao nhất là 435 tỷ đồng/ngành/năm.

Vốn đầu tư nước ngoài trung bình đạt gần 2.862 tỷ đồng/ngành/năm, độ lệch chuẩn là 2,3784, vốn đầu tư thấp nhất là 2.427 tỷ đồng/ngành/năm, cao nhất là 3.503 tỷ đồng/ngành/năm. Sự thay đổi về tăng trưởng theo ngành trung bình mỗi năm tăng 619 triệu đồng/ngành, độ lệch chuẩn là 1,1656, mức tăng thấp nhất là 262 triệu đồng/ngành/năm, cao nhất là 4.911 triệu đồng/ngành/năm.

Phân tích hồi quy

Phương trình hồi quy biểu diễn mối quan hệ giữa các nhân tố và ảnh hưởng các yếu tố lên năng suất lao động có dạng như sau:

LnPRODUCit= α + β1LnSALARYit + β2 LnLABORit + β3LnSOCIINVESTit + β4 LnFDIit + β5 LnGROWit + Ut

Trong đó:

- PRODUC: là biến phụ thuộc thể hiện sự phụ thuộc của năng suất lao động.

- α, β1, β2, β3, β4, β5; là các hệ số hồi quy.

SALARY, LABOR, SOCIINVEST, FDI, GROW: là các biến độc lập theo thứ tự: Tiền lương theo ngành, số lao động theo ngành, vốn đầu tư xã hội theo ngành, đầu tư nước ngoài theo ngành, sự thay đổi về tăng trưởng theo ngành.

Phương trình hồi quy được xác định như sau:

LnPRODUC = -7,5265 + 0,1889LnSALARY – 0,6857LnLABOR + 0,2438LnSOCIINVEST + 0,1417LnFDI + 0,4750LnGROW

Để xác định tầm quan trọng của các biến SALARY, LABOR, SOCIINVEST, FDI, GROW trong mối quan hệ với biến phục thuộc PRODUC, cần căn cứ vào hệ số β. Nếu trị tuyệt đối hệ số β của nhân tố nào càng lớn thì nhân tố đó ảnh hưởng càng quan trọng đến PRODUC. Từ phương trình hồi quy trên đưa ra nhận xét như sau, tác động của các yếu tố đến năng suất lao động, tác động của sự thay đổi về tăng trưởng theo ngành là lớn nhất vì β = 0,4750 lớn nhất trong các β, tiếp theo là vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của ngành (β = 0,2438), tiền lương (β = 0,1889), đầu tư nước ngoài (β = 0,1417).

 

Các yếu tố tác động đến năng suất lao động theo ngành tại Việt Nam giai đoạn 2005-2021 - Ảnh 2

Kết quả của bài nghiên cứu, cho thấy được các yếu tố tác động đến năng suất lao động theo ngành tại Việt Nam. Cụ thể, nếu mức lương của người lao động tăng thêm 1% thì năng suất lao động ngành đó tăng thêm 0,1889%, nếu vốn đầu tư toàn xã hội tăng thêm 1% thì năng suất lao động tăng lên 0,2438%, nếu vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm 1% thì năng suất lao động tăng thêm 0,1417%, nếu sự thay đổi về tăng trưởng theo ngành đó tăng thêm 1% thì năng suất lao động ngành đó tăng thêm 0,4750%, ngược lại nếu lao động trong ngành đó tăng thêm 1% thì năng suất lao động ngành đó sẽ giảm 0,6857%. Thông qua đó có thể thấy các yếu tố được xét trong bài tác động mạnh nhất đến năng suất lao động là sự thay đổi về tăng trưởng theo ngành đó.

Hàm ý chính sách

Thông qua kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách sau:

Một là, chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống kinh tế- xã hội, liên quan trực tiếp đến thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tiền lương đang tồn tại nhiều bất cập, làm nảy sinh nhiều vấn đề trong xã hội. Từ mô hình cũng có thể thấy rằng tiền lương tác động mạnh mẽ tới năng suất lao động, vì vậy Nhà nước nên có chính sách tiền lương hợp lý, hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động; Hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Hai là, xác định chính sách về việc làm là một trong những chính sách phát triển kinh tế, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước; trong xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế phải gắn với kế hoạch tạo việc làm; hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các chính sách về kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường các chính sách hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, bố trí lao động hợp lý để đạt năng suất lao động đạt mức cao nhất.

Ba là, hoạt động sử dụng vốn huy động có hiệu quả là nhân tố quan trọng đem lại lợi ích và hiệu quả cao nhất. Nếu sử dụng vốn hiệu quả thì các nguồn lực dành cho đầu tư sẽ phát huy được tối đa lợi ích cho chủ đầu tư nói riêng và nền kinh tế nói chung và ngược lại nếu sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả thì các kết quả của những đồng vốn ta bỏ ra sẽ không phát huy được tối đa cho nền kinh tế.

Bốn là, việc ban hành chính sách mới, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, các cam kết mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế, theo đó mặc dù cần trao đổi và tìm kiếm giải pháp để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên việc xây dựng các chính sách ưu đãi cần đảm bảo đúng mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.

Năm là, cần có chính sách phát triển ngành phù hợp, đảm bảo phát triển và tăng trưởng cho toàn xã hội, sự thay đổi về tăng trưởng theo ngành có tác động mạnh mẽ đến năng suất lao động, nếu phát triển ngành phù hợp sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi Hoàng Ngọc (2016), Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động của các nước ASEAN 6 giai đoạn 1999-2014. Luận văn thạc sỹ kinh tế học, Trường đại học Mở TP. Hồ Chí Minh;
  2. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS (Tập 1 và 2). Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Hồng Đức;
  3. Hà My và Lê Việt Phú (2017), Các phương pháp phân tích định lượng. Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright. Chương 4. Phần 4.6-4.11;
  4. Lê Văn Hùng (2017), FDI và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam- Ngụ ý đối với dòng vốn FDI từ EU. Viện kinh tế Việt Nam;
  5. Lê Hữu Quý (2016), Các yếu tố tác động đến năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010-2014. Luận văn thạc sỹ kinh tế học, Trường đại học Mở TP. Hồ Chí Minh;
  6. Nguyễn Anh Tuấn (7/2016), Năng suất lao động Việt Nam 2015- Những con số nổi bật, Viện Năng suất Việt Nam;
  7. Nguyễn Thị Tuệ Anh và Bùi Thị Phương Liên (2007), Đánh giá đóng góp của các ngành kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành vào tăng trưởng năng suất ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2007;
  8. Nguyễn Thanh Phúc. (2012). Lương phải là động lực phấn đấu cho người lao động. Tạp chí Tuyên giáo số 4 ngày 06/5/2012;
  9. Aida Licaros Velasco (1988), The Philippine Labor Productivity, vol. 1, no. 2, DLSU Business và Economics Review.

ThS. Trần Kim Ngân, Trần Đức Lương - Trường Đại học Kiên Giang

Trích nguồn 

03/02/2023
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368