024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Còn nhiều lấn cấn về PPP.

 

Khung pháp lý cho đầu tư PPP đang dần được hoàn thiện với 2 dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) soạn thảo. Hiện nay 2 dự thảo này đang được nhà đầu tư (NĐT) đánh giá cao về chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên theo NĐT PPP, cần đưa ra các thủ tục và quy trình rõ ràng hơn nữa nhằm hướng dẫn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và NĐT thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong quá trình thực hiện dự án.

Nhiều vấn đề cần được cụ thể hoá

Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm tiến hành soạn thảo 2 nghị định là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PPP (nghị định chung) và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn NĐT.

Hiện nay các vấn đề mà cơ quan này cần xin ý kiến thảo luận để hoàn thiện thêm là lĩnh vực và quy mô đầu tư; hội đồng thẩm định dự án PPP; chấm dứt hợp đồng dự án PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; quy trình dự án PPP; ưu đãi cho NĐT cam kết sử dụng nhà thầu, hàng hoá, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước; quy định chuyển tiếp.

 

con nhieu lan can ve ppp

Ảnh minh họa

Ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các NĐT công trình giao thông đường bộ (VARSI), cho biết, trong số các nhóm vấn đề được Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật PPP thì đây cũng là những vấn đề mà NĐT trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. “Đây là những vấn đề rất cần được cụ thể hóa, hướng dẫn sớm để Luật PPP đảm bảo tính khả thi khi có hiệu lực vào đầu năm tới”, ông Chủng nhấn mạnh.

Ông Phan Vinh Quang - Giám đốc quốc gia Dự án Nghiên cứu đánh giá và phân tích USAID cho biết, qua khảo sát thực tế về kỳ vọng của các NĐT PPP, có thể thấy kỳ vọng lớn nhất của NĐT là Nghị định đưa ra các thủ tục và quy trình cụ thể, rõ ràng, khả thi, nhằm hướng dẫn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và NĐT thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong quá trình thực hiện dự án PPP. Quan trọng hơn, các thủ tục không được tạo ra những trở ngại hành chính cho cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và NĐT. Các kỳ vọng khác là quy định tại Nghị định phải thúc đẩy tính minh bạch và cạnh tranh trong quá trình lựa chọn NĐT, tuân thủ nguyên tắc chính trong Luật PPP là việc quản lý các dự án PPP phải dựa trên kết quả đầu ra.

Đối chiếu trên các kỳ vọng đó, chuyên gia của USAID cho rằng, nhìn chung dự thảo Nghị định bám sát nội dung của Luật và đưa ra hướng dẫn hữu ích, thực tế để triển khai dự án PPP tại Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định, một số thủ tục sẽ khó được thực hiện, chẳng hạn việc xác định hàng hóa được sản xuất trong nước ở giai đoạn đấu thầu. Dự thảo Nghị định cũng thiếu một số thủ tục quan trọng, đặc biệt là các thủ tục gây tranh cãi liên quan đến hoạt động của dự án PPP. Ví dụ, không có bất kỳ điều khoản nào liên quan đến thanh tra (kiểm toán) vốn Nhà nước trong dự án PPP, chia sẻ doanh thu theo Điều 82 Luật PPP.

Quy định phải hướng tới đường dài

Luật sư Lê Nết, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đánh giá cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của dự thảo và mong mỏi Nghị định khi ban hành sẽ được nhiều NĐT hưởng ứng. Song ông Lê Nết cũng kiến nghị bổ sung một số quy định cụ thể. Đơn cử như việc DN dự án có nghĩa vụ xin mọi giấy phép và chấp thuận cần thiết để thực hiện dự án, trừ khi hợp đồng quy định rõ cơ quan ký kết hợp đồng xin giấy phép cụ thể. Quy định như vậy để tránh việc cơ quan ký kết hợp đồng bị kiện do chậm xin giấy phép và chấp thuận cho DN dự án, vốn dĩ phụ thuộc vào sự đầy đủ của hồ sơ mà DN dự án chuẩn bị.

“Ngoài ra, để tránh cơ quan ký kết hợp đồng bị kiện do chậm bàn giao mặt bằng hay mặt bằng vướng tiện ích, dự thảo cần quy định DN dự án có nghĩa vụ nhận đất đai, tài sản từ cơ quan ký kết hợp đồng để thực hiện dự án theo đúng thực trạng sẵn có và phải chịu trách nhiệm dọn dẹp mặt bằng để thi công theo tiến độ được duyệt”, Luật sư Lê Nết chia sẻ.

Ông Đặng Xuân Chinh - Trưởng Ban Pháp chế, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, qua thực tiễn khi thực hiện dự án từ giai đoạn tham gia lựa chọn NĐT, triển khai dự án, khai thác, vận hành đã gặp nhiều vướng mắc do cơ chế chính sách chưa đồng bộ hoặc chưa được hướng dẫn một cách chi tiết. Vì vậy NĐT kỳ vọng rằng dự thảo Nghị định sẽ quy định cụ thể hơn nữa đối với các nhóm vấn đề.

Cụ thể, đối với việc xác định hành vi chậm trễ của NĐT, DN dự án, cần phải quy định cụ thể thời gian chậm trễ tại dự thảo Nghị định hoặc được quy định cụ thể trong hợp đồng dự án và xem xét NĐT có thể đẩy nhanh thi công để bù đắp bằng tiến độ được hay không. Bên cạnh đó, cần có quy định chi tiết thời gian bao lâu kể từ ngày đến hạn thì được coi là chậm trễ, hay chỉ cần quá ngày quy định mốc thời gian trong hợp đồng là được coi là chậm trễ và cơ quan ký kết hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng?

Cũng theo ông Đặng Xuân Chinh, đối với cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, hiện nay quy định của Luật PPP có phần bất lợi cho NĐT khi cơ chế phần tăng thì áp dụng cho mọi dự án, còn cơ chế giảm chỉ áp dụng đối với các dự án mới. Ông Chinh cũng đề nghị bổ sung và có hướng dẫn chi tiết đối với hồ sơ, thủ tục để chia sẻ phần tăng và giảm doanh thu. “Đối với các dự án trước thời điểm Luật có hiệu lực nhưng có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thì có được bổ sung và áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định tại Luật PPP hay không?”, ông Chinh đặt vấn đề.

Một vấn đề khác là thiếu các quy trình rõ ràng dành cho các dự án do NĐT đề xuất. Hiện nay dự thảo Nghị định chung không quy định rõ quy trình mời nhiều NĐT nộp hồ sơ đề xuất dự án. Ngoài ra, không có quy trình rõ ràng về việc NĐT trúng thầu sẽ hoàn trả chi phí chuẩn bị dự án như thế nào. Điều quan trọng là phải nêu rõ cách thức xác định chi phí hợp lý mà NĐT trúng thầu phải hoàn trả.

Dự thảo Nghị định hiện tại cũng không bao gồm một số khía cạnh quan trọng của PPP, đó là thúc đẩy cơ hội đầu tư đối với các dự án PPP cho các NĐT. Theo đó, phân tích của USAID cho thấy, dự thảo Nghị định không yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công bố các dự án PPP tiềm năng một cách có hệ thống, chẳng hạn thông qua một cổng thông tin tập trung thuộc sự quản lý của khu vực công, nơi mà các NĐT có thể tìm thấy các cơ hội tiềm năng trước khi quá trình đấu thầu bắt đầu. Về hỗ trợ của Chính phủ đối với PPP, tại Chương VII của Luật PPP đưa ra một số ưu đãi và hỗ trợ do Chính phủ cung cấp, tuy nhiên dự thảo Nghị định không nêu rõ tiêu chí và thủ tục áp dụng.

Trích nguồn

Ngọc Khanh

28/10/2020
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368