024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Thêm giải pháp bảo mật, tăng an toàn trong giao dịch ngân hàng.

 

Việc số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, nhất là khi dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trở lại, đã kéo theo yêu cầu bảo mật thông tin, an toàn hệ thống phải lên một mức cao hơn. Vì vậy, cuộc đua phát triển các sản phẩm ngân hàng số vừa an toàn vừa tăng trải nghiệm cho khách hàng lại thêm “nóng”.
 

them giai phap bao mat tang an toan trong giao dich ngan hang

Thêm giải pháp bảo mật, tăng an toàn trong giao dịch ngân hàng

Gắn bảo đảm an toàn với ngân hàng số

Để bảo đảm cho dịch vụ ngân hàng số thông suốt, an toàn, chính xác, các ngân hàng đã và đang không ngừng "chạy đua" đầu tư vào công nghệ bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.

Khảo sát của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam cho thấy, 100% số tổ chức tín dụng đầu tư các giải pháp an ninh, bảo mật từ cơ bản đến nâng cao. Từ hệ thống tường lửa, phát hiện xâm nhập; hệ thống chống vi-rút xác thực đa thành tố; hệ thống phòng, chống thư rác; hệ thống lọc dữ liệu… cho đến công nghệ chữ ký số đều đã được các ngân hàng đầu tư.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech NHNN cho biết, các ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của nhân loại trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình. Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: Điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, làm phong phú thêm những trải nghiệm khách hàng.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã sử dụng công nghệ bảo mật mới cho các giao dịch ngân hàng số. Theo đó, người dùng sử dụng một thiết bị di động khác (không phải là những thiết bị mình đăng ký ban đầu) thì sẽ phải thực hiện quét QR code để nhận định loại giao dịch và xác định đúng là chính chủ thực hiện giao dịch. Ngoài ra, ngân hàng này cũng triển khai phần định danh khách hàng online (eKYC) với video chứa thông tin sinh trắc học chống chối bỏ, chất lượng đăng ký gấp 3 so với ngân hàng khác.

Đặc biệt, việc triển khai giải pháp định danh điện tử eKYC đã thay đổi cách nhìn nhận về dịch vụ ngân hàng và là một giải pháp nâng cao chất lượng bảo mật, an toan thông tin cho khách hàng.

Vừa qua (28/1), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã chính thức triển khai tính năng mở tài khoản trực tuyến trên ứng dụng SHB Mobile qua giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC). Ứng dụng sẽ tự nhận dạng các thông tin và hình ảnh của khách hàng trên giấy tờ tùy thân so sánh với hình chụp các góc khuôn mặt khách hàng để hoàn tất thủ tục định danh trực tuyến. Sau đó, khách hàng đã có thể đăng ký gói tài khoản trực tuyến để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn và QR Pay, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, vé tàu, đặt phòng khách sạn...

Theo đánh giá của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, việc thực hiện eKYC trong thiết lập mối quan hệ lần đầu với khách hàng được coi “cửa ngõ” để phát triển các mô hình ngân hàng số. Đặc biệt, việc nhận biết và xác minh thông tin khách hàng trong mở tài khoản thanh toán đóng vai trò quan trọng, giúp khách hàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng, cho phép các ngân hàng có thể mở rộng khách hàng và cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện, hiệu quả.

Bên cạnh đó, để mang lại sự thuận tiện và bảo mật tốt nhất cho khách hàng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành thẻ chip nội địa VCCS cũng như chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa tại Việt Nam. Ngoài ra TPBank cũng là ngân hàng đầu tiên áp dụng mã PIN điện tử ePIN cho thẻ ATM. Đây là những giải pháp tối ưu giúp hạn chế rủi ro, thiệt hại từ việc ăn cắp dữ liệu thẻ tại ATM.

Để có được thành công này, ngân hàng đã đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển ngân hàng số. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho biết: Ngay từ những ngày đầu thành lập, TPBank đã có định hướng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng công nghệ, ngân hàng số, vì không có sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn, lâu đời. Phương châm của TPBank là nghĩ lớn, làm từ việc nhỏ, triển khai thành công, nhân rộng sang các lĩnh vực khác. Làm sao để mọi người nghĩ chuyển đổi số không quá khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc tăng cường công nghệ bảo mật, đảm bảo an toàn tối đa cho hệ thống và khách hàng đang là một bài toán lớn trên thị trường tài chính Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đức Tuân, những giải pháp chủ yếu để bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số gồm: Giải pháp về con người, cần nâng cao nhận thức cho nhân viên, người dùng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin, đào tạo, huấn luyện đội ngũ chuyên trách về an toàn thông tin, diễn tập thường xuyên về an toàn thông tin. 

Đồng thời, "cần phân tách các vùng mạng và có phương án bảo vệ riêng cho mỗi vùng mạng, thiết lập và bảo vệ các kết nối VPN. Thiết lập các hệ thống phòng, chống xâm nhập cho các vùng thông tin, xác thực mạnh và chữ ký số để bảo đảm giao dịch trực tuyến. Duy trì giám sát, kiểm tra, phát hiện các lỗ hổng trong ứng dụng phát triển", ông Nguyễn Đức Tuân nói.

Hiện, có những sự số xảy ra ở Việt Nam nhưng máy chủ lại đặt ở nước ngoài. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, thiết lập mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia là một giải pháp có vai trò rất quan trọng để xử lý tình huống này .

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chỉ ra rằng, cấu trúc và mục đích của internet là một mạng mở nên các giao dịch tài chính có thể gặp rủi ro bảo mật cao. Điều này đòi hỏi phải có khuôn khổ pháp lý về bảo mật dữ liệu người dùng và bảo mật thông tin để tạo ra một hệ thống giao dịch kỹ thuật số an toàn và đáng tin cậy. 

Tâm điểm của tội phạm an ninh mạng

Các ngân hàng tăng đầu tư vào an ninh, an toàn bảo mật thông tin là xu hướng tất yếu. Bởi Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho phát triển ngân hàng số với khoảng 72% dân số sở hữu smartphone, hơn 130 triệu thuê bao di động, 51 triệu thuê bao internet di động, kết nối 3G/4G phủ toàn quốc, 64 triệu người dùng internet.

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí gần đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 4.000 vụ việc liên quan đến tấn công an ninh mạng, trong đó có lĩnh vực ngân hàng như khách hàng bị lừa mất tiền qua tài khoản do bị lừa đảo, kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc gửi link giả mạo ngân hàng… Số vụ khách hàng bị lừa, mất tiền qua tài khoản (khoảng 100 tỷ đồng) ngày càng nhiều, không ít vụ chưa được thống kê. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tuân, Quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo tình trạng tấn công mạng đang diễn ra khá phổ biến. Trong đó, lĩnh vực tài chính chiếm khoảng 51% các vụ lừa đảo trên mạng trong năm 2019 (năm 2018 là 44,7%). Lợi ích tài chính là động cơ chính của tội phạm mạng chiếm đến 86%. Khoảng 30% sự cố an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính là do cuộc tấn công ứng dụng web.

Đặc biệt, trong những khảo sát gần đây cho thấy, các chuyên gia chỉ ra rằng, ngành ngân hàng đang đối mặt với một số thách thức về an ninh mạng khi ngân hàng, khách hàng và các đối tác liên kết của ngân hàng đều có thể trở thành “lỗ hổng” để tội phạm mạng tấn công. Các chuyên gia cho rằng, nếu các ngân hàng không đầu tư đúng mức về hệ thống và giải pháp công nghệ, loại tội phạm này sẽ càng ngày càng gia tăng.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, rủi ro vì an ninh mạng internet vẫn là một trong những trở ngại cho sự phát triển của thương mại điện tử nói chung và phát triển ngân hàng số nói riêng. Nguyên nhân vì cấu trúc và mục đích của internet là một mạng mở nên các giao dịch tài chính có thể gặp rủi ro bảo mật cao.

Trích nguồn

Hương Giang

19/02/2021
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368